14-4-2016

Ở Việt Nam có câu “Dốt chuyên tu, ngu tại chức” để nói về chuyện các quan chức theo học các lớp tại chức nhằm hợp thức hóa bằng cấp, được nâng lương. Những quan chức được cử đi học tại chức, hoặc tham gia các lớp tại chức sau này sẽ dễ dàng nắm giữ các vị trí cao trong bộ máy chính quyền CSVN. Không nói đâu xa, ông Trần Đại Quang có cả một mớ bằng tại chức và nay nghiễm nhiên trở thành Chủ tịch nước.

slide_chuyen_lam_bang_dai_hoc-4
Đây là website Chuyên Làm Bằng Đại Học Giả Giá Rẻ Ưu Đãi có thật.

Những người đi học tại chức không cần phải bỏ nhiều công sức để theo học, chỉ cần bỏ tiền, đút lót gọi là “bồi dưỡng” cho các giáo viên họ sẽ dễ dàng nhận được tấm bằng cử nhân, thạc sĩ. Mới đây, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa (trường cho các cán bộ theo học lớp tại chức) dính đến nghi vấn lập quỹ hàng đống tiền và dùng nó để “bồi dưỡng” cho các giáo viên.

Theo một học viên tham gia lớp Luật K55E cho biết, cứ mỗi học kỳ như vậy, học viên phải đóng 800,000 đồng. Và số tiền này tăng dần theo từng học kỳ, đến học kỳ 3 sẽ là 1,200,000 đồng. Lớp này có 132 học viên, số tiền cộng lại không hề nhỏ chút nào. Số tiền này sẽ được dùng vào việc lo nơi ăn, chốn ở cho giáo viên. Giáo viên tham gia giảng dạy sẽ được ở trong những khách sạn, được ăn ở những nhà hàng sang trọng. Chưa hết, các học viên còn phải có phong bì “bồi dưỡng” cho lãnh đạo nhà trường lẫn giảng viên đến giảng dạy.

Tất cả những khoản “đóng góp” này đều được chỉ thị từ giáo viên chủ nhiệm lớp. Vị giáo viên này sẽ ghi rõ từng khoản “bồi dưỡng”, những ai được nhận và nhận số tiền là bao nhiêu.

Một học viên lớp Luật K55E cho phóng viên báo Dân Trí biết, nếu với những người có thu nhập ổn định, lương khoảng chục triệu một tháng thì số tiền hơn 1 triệu dùng để “đóng góp” không thành vấn đề. Nhưng với những người làm hợp đồng tạm bợ cho các xã, thì số tiền đó là gánh nặng đối với họ. Tuy nhiên, đây là luật bất thành văn, muốn học thì phải đóng tiền nên nhiều người đã phải cắn răng để đóng góp. Vì nếu không, cô giáo chủ nhiệm và nhà trường tìm mọi cách để gây khó khăn trong việc nhận lãnh bằng. Nếu nộp tiền đầy đủ, học viên có thể thoải mái nghỉ học mà đến kỳ vẫn được dự thi, và lãnh bằng như những học viên khác.

Ông Đào Phan Thắng- Giám đốc Trung tâm thừa nhận có việc “đóng góp” trên. Tuy nhiên ông này từ chối việc “đóng góp” đó là ít hay nhiều. Theo ông Thắng, việc các học viên “tự nguyện” đóng góp để “bồi dưỡng” cho giảng viên là tấm lòng của họ chứ trung tâm không hề ép.

Cũng cần phải nhắc lại, vào năm 2013, Trung tâm này đã từng bị dính đến vụ tai tiếng nộp tiền để được vào học lớp Thạc sĩ Quản lý kinh tế của Đại học kinh tế kết hợp. Cứ mỗi học viên theo học phải nộp 28 triệu đồng. Số tiền đó gọi là “tiền chống trượt”. Tuy nhiên, sự việc sau đó đã bị vỡ lở khi 3 học viên bị đuổi ra khỏi phòng thi, những người này quay ngược lại tố cáo nhà trường.

 

Print Friendly, PDF & Email