BS Hoàng Độ

Thế giới đang bàn tán xôn xao về chuyện Trung Cộng sẽ trở thành siêu cường thay thế Hoa Kỳ trên thế giới vào giữa thế kỷ này. Có thật như vậy không?

Để trả lời cho câu hỏi này chúng tôi xin trình bày tóm lược những ý kiến và quan điểm hiện nay trong chính trường quốc tế.

Giấc mơ của Tập Cận Bình

Trong đại hội đảng lần thứ 19 vào tháng 10 năm 2017, Tập Cận Bình (TCB) ngoài việc tự phong thành nhân vật độc tôn ngang hàng với Mao Trạch Đông trước kia, đã đưa ra giấc mơ Trung Cộng (TC) sẽ trở thành siêu cường bá chủ thế giới trong vòng 30 năm (?).

Với bài diễn văn dài 3 tiếng rưỡi đồng hồ, mà nhiều người tham dự ngủ gật, Tập Cân Bình đã vẽ ra con đường đưa đến giấc mơ của ông.

Ông khẳng định đảng cộng sản Trung Hoa tiếp tục độc quyền lãnh đạo với rất ít lực đối đầu và ý kiến khác biệt, bảo đảm nền an ninh quốc gia, hướng dẫn tư tưởng và lý luận, bảo vệ chủ quyền, trẻ trung văn hóa, chống tư tưởng sai lệch, đề cao tôn giáo kiểu Trung Hoa… Theo ông ta, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới về mọi phương diện từ chính trị, kinh tế, đến quân sự, môi trường, sẽ cống hiến cho nhân loại rất nhiều thứ. Ông sẽ xây dựng một lực lượng quân sự khổng lồ, không chỉ là cường quốc quân sự khu vực như hiện nay mà là một siêu cường toàn thế giới.

Ông sẽ biến Trung Hoa thành một “nước xã hội chủ nghĩa tiêu biểu và tân kỳ” vào giữa thế kỷ thứ 21, lúc đó Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trong vai trò lãnh đạo thế giới (?).

Chúng ta thử xem giấc mơ của TCB có trở thành hiện thực hay không, hay chỉ là một bánh vẽ để lừa gạt người dân trong nước và trên thế giới.

Những Yếu Tố Cần Có Cho Một Cường Quốc Lãnh Đạo

Ai cũng biết muốn trở thành quốc gia siêu cường có khả năng lãnh đạo thế giới, rất nhiều điều kiện cần phải có, từ quyền lực “cứng” đến “mềm” và các yếu tố thầm kín khác… Người ta phân loại hai thứ quyền lực để tạo ảnh hưởng người khác nhằm đạt mục tiêu mong muốn (theo Nye, 1990):

Quyền lực mềm như văn hóa, chính trị, kinh tế, nhân quyền, tôn giáo, nhạc, hình ảnh, âm thanh… nhằm khuyến dụ người khác vui vẻ theo mình (Thí dụ: thời chiến tranh lạnh thế giới tự do áp dụng quyền lực mềm này).

Quyền lực cứng buộc đối phương phải chấp nhận những gì mình muốn như: quân sự, áp lực kinh tế (cấm vận), áp lực chính trị (cô lập) v.v… như trường hợp thế giới đã dùng với Hitler, Saddam Hussein, Kaddafi..

Muốn có quyền lực mềm, về mặt thể chế, văn hóa, xã hội, cần phải có một chế độ dân chủ, tôn trọng quyền căn bản của con người, nhờ đó tạo sinh nhân tài, với những sáng kiến giúp phát triển xã hội, những nhân vật lỗi lạc được giải Nobel về mọi mặt. Văn hóa phải đáp ứng được những giá trị nhân bản, hợp với trào lưu nhân loại, được các quốc gia khác thừa nhận một cách tự nguyện. Như cố giáo sư R.J. Rummel (đại học Hawaii) nói trong tác phẩm “Blue Book of Freedom” của ông: Tự Do tạo sự thịnh vượng, an toàn xã hội, phát triển sang kiến, hạn chế độc tài, không gây chiến tranh.

Ai cũng biết trong lịch sử loài người, các chế độ độc tài cuối cùng đều phải sụp đổ vì không đáp ứng lợi ích của người dân và lại còn gây hấn với các nước khác, dài hay ngắn tùy theo hoàn cảnh. Tần Thủy Hoàng, Hitler, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Saddam Hussein, Khadafy v.v… là những thí dụ cụ thể.

Về mặt chính trị và ngoại giao: Nước đó phải có một sách lược ngoại giao toàn cầu, tạo sự hài hòa trên thế giới, bảo đảm nến an ninh thịnh vượng chung, tôn trọng những định chế quốc tế như về  nhân quyền, pháp luật, chủ quyền, về những cam kết, để tạo ích lợi chung cho nhân loại mà không chỉ cho lợi ích riêng của mình..

Về mặt quân sự và an ninh: quốc gia đó cần có sức mạnh có thể can thiệp cấp kỳ trên toàn thế giới trong những khủng hoảng về an ninh, khủng bố, thiên tai, giúp các quốc gia nhỏ bé khỏi bị xâm lấn… Đặc biệt có khả năng tự bảo vệ lãnh thổ mình, tránh xung đột với các nước láng giềng.

Về mặt kinh tế, tài chánh: Phải có một thị trường tự do, hài hòa để nền kinh tế phát triển, có tiềm năng kinh tế tài chánh lớn, nguồn nguyên liệu dồi dào và ít bị lệ thuộc; người dân có sáng kiến, chăm chỉ làm việc, với tinh thần tự trọng, tôn trọng kỷ luật.. Nền kinh tế được quản trị khoa học, minh bạch, luôn luôn được cải tiến trong tinh thần tự do tiến bộ, khai phóng, không bị áp đặt bởi những tư tưởng độc tài, bảo thủ, cửa quyền, tham nhũng, hối lộ…

Quốc gia lãnh đạo cần phải có những lịch sử về khả năng giải quyết khủng hoảng quốc tế, như chiến tranh, xung đột toàn cầu hay cục bộ, thảm họa và phục hồi nhanh chóng cho chính mình, đồng minh hay cho nhân loại.

Xét Về Giấc Mơ Tập Cận Bình

Cộng sản Trung Hoa (gọi tắt là Trung Cộng) cai trị nước Tàu từ 1949, được tổng thống Nixon bãi bỏ cấm vận năm 1972 nhằm giúp đỡ (Trung Cộng) phát triển kinh tế, mở cửa ra bên ngoài, giảm căng thẳng chiến tranh lạnh, dập tắt cuộc đối đầu nguy hiểm do chính sách cực đoan của Mao Trạch Đông, đồng thời tạo rạn nứt trong khối cộng sản quốc tế, nhờ vậy, nền kinh tế TC phát triển và hiện nay đứng thứ hai sau Hoa Kỳ.

Nhà cầm quyền Bắc Kinh lợi dụng sự giúp đỡ, đầu tư của quốc tế trong lúc Hoa Kỳ bận rộn trong các trận chiến chống khủng bố, đã gia tăng thu nhập, mở rộng tầm ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại các nước nghèo ở Phi châu và Nam Mỹ, nơi giầu tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho sự phát triển kỹ nghệ, nhưng cuối cùng đã bị các nước này xa lánh do chính sách ích kỷ của chính quyền và người TC.

Xét về quyền lực mềm, Trung Cộng chưa hội đủ rất nhiều yếu tố do thiếu nền chính trị trong sáng trong nước như nói ở trên.

Trung Cộng là một nước độc tài toàn trị, chuyên chế, chà đạp nhân quyền, tước bỏ các quyền tự do của con người, đi ngược với xu thế của thế giới. TC được các tổ chức quốc tế xếp vào loại các quốc gia thiếu tự do dân chủ nhất trên thế giới nhất là tự do tư tưởng và ngôn luận, tự do tôn giáo. Vì thế, riêng phương diện này, TC đã không được bất cứ nước nào trên thế giới chấp nhận, ngoại trừ một số nước nhỏ vì lợi ích kinh tế nhất thời, hoặc cũng độc tài như TC (Bắc Hàn, Cuba, Việt Nam…)

Chế độ độc tài kiểu Stalin đã làm nhụt tính sáng tạo của người dân, toàn dân phải chịu phục tùng trước sức mạnh của đàn áp, công an, nhà tù… Trong lịch sử cận đại, các đảng cộng sản thế giới chứng tỏ đã tạo ra những khủng hoảng về quyền lực, quản lý, phát triển, về lý tưởng nhân  bản, thiếu khả năng quản trị kinh tế, vì thế không tạo phúc lợi cho con người, cho sự thịnh vượng chung và nền an ninh thế giới. TC không thể nào có được những tổ chức, hãng xưởng tư nhân to lớn ảnh hưởng thế giới như Apple, Coca Cola, Hollywood, Facebook, Google…như ở Hoa Kỳ. Trong thời gian cộng sản ngự trị Trung Hoa, chưa có một nhân vật nào được giải thưởng Nobel về khoa học, kinh tế.. ngoại trừ nhà văn phản kháng Lưu Hiểu Ba được giải thưởng Nobel Văn Chương nhưng không được phép nhận lãnh và ông đã chết trong tù.

Trung Cộng không tuân thủ những định chế quốc tế mà họ đã ký kết như Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, tước bỏ mọi quyền tự do trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí. TC có tham vọng bành trướng lãnh thổ bất chấp luật pháp quốc tế, nhất là luật biển, một hành động khiến cả thế giới không ai thừa nhận. Vụ phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế năm 2016 về đường lưỡi bò đã xác nhận hành động bất hợp pháp và phi lý của TC tại Biển Đông. Trong nhất thời, một số nước vì ngoại giao hoặc kinh tế nên không đặt ra vấn đề. Tham vọng này đã đẩy các quốc gia nhỏ trong vùng hướng về Hoa Kỳ, nơi họ có thể tin tưởng là sẽ không có chuyện bị Hoa kỳ xâm chiếm lãnh thổ, và Hoa Kỳ có sẵn lực lượng quân sự và tiềm năng kinh tế nếu có xung đột xảy ra cần được giúp đỡ. Trong đại hội 19 đảng CS Tàu, Tập Cận Bình đã xác nhận những căn cứ xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông làm bàn đạp cho kế hoạch nối liền đến Âu Châu, Phi Châu qua cái gọi là “Một Vành Đai, Một Con Đường”. TC tìm cách mua chuộc các quốc gia nghèo để xây các hạ tầng kinh tế dọc con đường này.  Nhưng TC có đủ tài chánh và phương tiên cho kế hoạch khổng lồ này không?

Với dân số gần 1.4 tỉ, tình trạng xã hội Trung Hoa ngày càng già nua do chính sách 1 con (nay đã đổi thành 2 con) khiến cho kinh tế không thể phát triển, sinh lực quốc gia thiếu sinh khí của tuổi trẻ chưa kể đến thiếu tự do trí tuệ. Sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị ngày càng lớn khiến xã hội không bền vững. Bất cứ một biến động nào cũng tạo ra khủng hoảng như thất nghiệp, suy giảm kinh tế. Sự chênh lệch giữa giàu nghèo, giữa giai cấp cầm quyền (cán bộ, đảng viên) và dân thường tạo nên mầm mống bất mãn ngày càng gia tăng và nạn tham nhũng tiếp tục lan tràn.

Những ý kiến sáng tạo, ý tưởng khác biệt trong xã hội không được chấp nhận gây cản trở cho sự phát triển. Sau vụ Thiên An Môn, nhà cầm quyền đưa ra khẩu hiệu: “Nếu anh từ bỏ dân chủ, đảng sẽ cho anh thịnh vượng” hoàn toàn trái ngược với những nguyên tắc căn bản của thế giới ngày nay về tự do dân chủ trong việc phát triển: “Khi con người càng có Tự do, con người càng được phát triển, quốc gia được thịnh vượng, kinh tế tăng trưởng, xã hội an toàn, ít có bạo lực chính trị,  ít có chiến tranh và nạn đói…” (GS R.J. Rummel trong Blue Book of Freedom).

Trung cộng hoàn toàn kiểm soát thông tin, một phương tiện rất tốt cho sự phát triển khả năng sáng tạo và tư tưởng của người dân.

Nền kinh tế tài chánh của TC thiếu sự bền vững và minh bạch, đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà kinh tế. TQ thường được xem là một “cơ xưởng sản xuất” và là “nhà xây nhịp cầu” của thế giới (Saha Hsu, trên Forbes) nhưng trên thực tế còn rất nhiều yếu kém:

  • Sự cải tổ kinh tế còn nhiều vấn đề: chưa thật sự thị trường tự do mà chỉ là một nền kinh tế “nửa dơi nửa chuột” vừa “kinh tế thị trường” vừa “định hướng xã hội chủ nghĩa”, được chính quyền kiểm soát, hoàn toàn không phù hợp với WTO (Tổ Chức Thương Mại Thế Giới).
  • Nền tài chánh thua kém xa các nước phát triển phương Tây. Theo thống kê 2016 của Ngân Hàng TG, thu nhập hàng năm đầu người của TC đứng hàng 66 ($8,123/năm), trong khi đó Mỹ đứng thứ 7 ($57,460/năm), Nam Hàn thứ 25 (27, 5539/năm), Nhật thứ 20 (38, 895/năm)..
  • Theo Bloomberg News, nợ công của TC năm 2022 sẽ là 327% GDP, một hình ảnh kinh hoàng có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế to lớn.
  • TC chưa có các định chế quốc tế mạnh và bền vững (như Ngân Hàng Thế Giới, Tiền Tệ Quốc Tế…), tiền tệ chưa trở thành quốc tế, kém cạnh tranh với Hoa Kỳ và các nước Phương Tây, khó có thể áp đặt những định hướng cho thế giới. Nếu có một cuộc chiến tranh kinh tế, chắc chắn TC sẽ không thể địch lại Mỹ và thế giới Tự do.
  • Tăng trưởng đã chậm lại, sự hữu hiệu kinh tế rất kém, cải cách khu vực dịch vụ còn nghèo nàn, thị trường tài chánh không tạo lợi nhuận bền vững cho các nhà đầu tư.
  • Sự can thiệp sâu đậm của nhà cầm quyền vào nền kinh tế tạo sự bất định cho quốc gia.
  • Những báo cáo kinh tế do nhà cầm quyền đưa ra hoàn toàn không trung thực, tạo ra sự thịnh vượng ảo của nền kinh tế tài chánh TC.

Còn về quyền lực “cứng”, dù rằng thế giới hiện nay không ai muốn xử dụng nhưng có khi cũng phải dùng đối phó với các thế lực độc tài hiếu chiến, chúng ta thử xét xem TC có để trở thành siêu cường không.

Nền địa chính trị (geopolitic) của Trung Hoa không thuận lợi cho việc hình thành một siêu cường quân sự. Trung cộng đang bị bao vây bởi các quốc gia không có thiện cảm, phía Bắc có Nga, phía Đông có Nhật, Nam Hàn, Tây Nam có Ấn Độ. Ngoài ra TC hiện đang chiếm đóng và đô hộ các quốc gia Tây Tạng, Mông Cổ, Tân Cương, tất cả đều là những quốc gia thù nghịch. Phía Nam có Lào, Thái, Campuchia, Miến điện là những quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé ngoài Việt Nam nhưng từng rất kiên cường trong lịch sử.

Sức mạnh quân sự của TC chỉ trông vào lượng mà không phải là phẩm. Vũ khí đều mua từ Nga hoặc được phép chế tạo của Nga, hoặc cóp nhặt, ăn cắp từ các nước khác. Ngược lại, Hoa Kỳ có nhiều căn cứ quân sự trên khắp thế giới. Về hải quân, TC chỉ có một hàng không mẫu hạm cũ kỹ được tân trang mua lại của Ukraine, trong lúc Hoa Kỳ có 6 hạm đội hiện diện thường trực trên khắp toàn cầu với những hàng không mẫu hạm tối tân chạy bằng nguyên tử năng. TC đang dự tính tự đóng một số hàng không mẫu hạm mới, nhưng người ta hoài nghi về kỹ thuật cũng như hiệu năng.

TC có thể bắt nạt các nước Đông Nam Á nhỏ bé, nhưng không thể nào chống lại “Tứ giác kim cương” (gồm 4 nước dân chủ lớn trong vùng là Ấn Độ, Úc, Nhật và Hoa kỳ) và chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương vừa được TT Donald Trump công bố trong dịp họp thượng đỉnh APEC tháng 11 vừa qua tại Đà Nẵng, chưa nói đến liên minh NATO ở Âu Châu, liên minh với Nhật (và Phi Luật Tân) đã có từ lâu.

Trung Cộng không được thế hỗ trợ của thế giới như Hoa Kỳ có được sau thế chiến I và II và nhất là sau chiến tranh lạnh. Hoa kỳ có một nền kinh tế mạnh, vững chắc, nhất là có nguồn năng lượng lớn chưa khai thác tại Alaska, các bờ biển và trong lãnh thổ. Hoa Kỳ có lực lượng lao động có kỹ năng cao, nhiều kinh nghiệm, và được huấn luyện đầy đủ… Hoa Kỳ có sức hút mạnh mẽ trong nhiều lãnh vực kinh tế, tài chánh, văn hóa, du lịch, lịch sử…

Còn Trung Cộng như thế nào? Liệu Có Thể Trở Thành Siêu Cường Bá Chủ Thế Giới Hay Không?

Trong 30 năm nữa thế giới sẽ có nhiều biến đổi. Trung Cộng còn giữ được mức tăng trưởng như hiện nay hay không trước sự cạnh tranh của các nước Á Châu với lực lượng lao động không kém thua gì của TC nhưng ở trong một môi trường tự do; thế giới có để TC thao túng mậu dịch và tiền tệ như TT Trump đã tố cáo không. Tập Cận Bình có còn sống, hoặc có đủ sức khỏe tiếp tục thao túng không, người kế tiếp sẽ như thế nào, tình hình nội bộ TC ra sao, TC có chấp nhận để người dân được tự do hay không, có chấp nhận các nước bị thuộc được độc lập hay không, có chịu hoàn trả Biển Đông cho các sở hữu chủ theo phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế không, hay vẫn tiếp tục tự thổi phồng mình giống như câu chuyện “con nhái muốn làm con bò”.

BS Hoàng Độ

Tháng 1, 2018

 

Print Friendly, PDF & Email