(Vn Express)
Tại triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” vừa khai mạc tại Thanh Hóa, Ban tổ chức trưng bày bức thư chia buồn của Đô đốc Hải quân Việt Nam Cộng hòa gửi thân nhân sĩ quan hải quân tử trận ở Hoàng Sa năm 1974.
Ngày 12/5, tại Trung tâm thư viện tỉnh Thanh Hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa khai mạc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Triển lãm giới thiệu đến công chúng nhiều tư liệu, hiện vật về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã được các nhà nghiên cứu, các học giả trong nước và quốc tế công bố.
Trong đó có các nhóm tiêu biểu như: Phiên bản các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ban hành từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20; phiên bản các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa miền Nam Việt Nam khẳng định quá trình quản lý hành chính và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; nhóm các tư liệu hiện vật về công cuộc thực thi chủ quyền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam…
Đặc biệt, có bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen, nhà địa lý học người Bỉ biên soạn gồm 6 tập xuất bản tại Bỉ năm 1827 mới được Bộ Thông tin và Truyền thông mua về. Đây là tài liệu pháp lý quan trọng đóng góp thêm vào các tư liệu chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Học sinh trên địa bàn TP Thanh Hóa chăm chú nghe giáo viên giới thiệu và hướng dẫn thăm quan triển lãm. Ảnh: Lê Hoàng. |
Ngoài ra, trong cuộc triển lãm lần này, Ban tổ chức còn công bố và trưng bày bức thư chia buồn của Đô đốc Trần Văn Chơn, Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa gửi bà Lê Kim Chiêu, thân nhân của đại úy Hải quân Huỳnh Duy Thạch, tử trận trong hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974.
Bức thư có đoạn: “Bộ tư lệnh Hải quân vừa được tin Hải quân, đại úy Huỳnh Duy Thạch đã anh dũng hy sinh vì tổ quốc ngày 19/01/1974 tại đảo Hoàng Sa. Trong trận hải chiến lịch sử ngăn chặn quân Trung Cộng xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, đại úy Thạch và các chiến sĩ Hải quân thuộc Hộ tống hạm Nhựt Tảo (HQ.10) đã nêu cao tinh thần bất khuất hào hùng, quyết chiến quyết thắng trước kẻ thù chung của dân tộc. Dịp này, đại úy Thạch chẳng may ngã xuống nhưng gương hy sinh cao cả của đại úy như ngôi sao sáng chói trên bầu trời Hoàng Sa muôn thuở của quê hương”…
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện phát triển Kinh tế xã hội Đà Nẵng cho hay, tư liệu này được thân nhân đại úy Huỳnh Duy Thạch tặng ông cách đây ít tháng. “Hội đồng thẩm định đánh giá bức thư là tài liệu rất quý, chứng minh Việt Nam Cộng hòa là một thực thể nhà nước của các nhà nước Việt Nam từ trước đến nay, thực thi chủ quyền và đấu tranh sinh tử để bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”, ông Sơn nói.
Lá thư của Đô đốc Trần Văn Chơn, Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa gửi bà Lê Kim Chiêu, thân nhân của Đại úy Hải quân Huỳnh Duy Thạch, người đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974. Ảnh: Lê Hoàng. |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, các tư liệu, hiện vật được trưng bày tại triển lãm là một phần các bằng chứng lịch sử và pháp lý thu thập được ở trong và ngoài nước, trong đó có cả từ Trung Quốc, góp phần minh chứng cho chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hai quần đảo này là phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Việt Nam đã được các thế hệ người Việt Nam đổ bao xương máu khai phá, xác lập, đã được các Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ quản lý, bảo vệ và khẳng định chủ quyền một cách liên tục, hòa bình trong suốt hàng trăm năm qua.
Theo ông Son, các tư liệu, hiện vật này cũng cung cấp cho bạn bè quốc tế trong đó có cả người dân Trung Quốc hiểu được bằng chứng lịch sử, hiểu được mong muốn, nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam trong việc gìn giữ, duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông và khu vực.
Lê Hoàng