Hoàng Độ

Lời nói đầu: Hiện nay vấn đề đàn áp tôn giáo tại Việt nam là một đề tài được chú trọng trong và ngoài Việt Nam. Trong nước, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã dám đối đầu với nhà cầm quyền. Ngoài nước, người  Việt hải ngoại chưa bao giờ lại có những hoạt động sôi nổi như vậy trước hiện tượng bắt bớ các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo. Thế giới đã lên tiếng mạnh mẽ về những hành động đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền CS, như bắt giam linh mục Nguyễn Văn Lý, quản chế Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Cụ Lê Quang Liêm, tiếp tục giam lỏng Hòa Thượng Thích Huyền Quang tại Quảng Ngãi, sách nhiễu các tu sĩ, giáo dân, tín đồ các tôn giáo đang tranh đấu cho tự  do tôn giáo, bao vây, kiểm soát các nhà thờ, chùa chiền, thánh thất v.v… 

Trong lúc cao trào tranh đấu đòi tự do tôn giáo lên cao, chúng ta lại được nghe một vài lời tuyên bố hoặc hành động hoàn toàn đối nghịch với những gì đang thực tế xảy ra tại Việt nam đối với các tôn giáo. 

Những gì đã và đang xảy ra cho các tôn giáo tại Việt nam kể từ khi CSVN nắm chính quyền tại miền Bắc, sau đó cả hai miền, đều là những sự lập đi lập lại, những bản sao chép chính sách đàn áp tôn giáo của Liên xô trước kia. 

Để thấy rõ hơn về những phương thức, thủ đoạn mà Cộng sản thường dùng để đàn áp, khống chế và tiêu diệt tôn giáo, chúng tôi xin trình bày dưới đây tiết lộ của một người từng là nhân viên cao cấp của tình báo KGB Nga: Ông Mitrokhin, đào thoát tỵ nạn và hiện nay là một công dân Anh Quốc. 

Một câu hỏi được đặt ra: Liên Xô, với quyền lực và sức mạnh vĩ đại từng làm cho Mỹ phải nể vì, vậy mà vẫn không thể tiêu diệt đựợc tôn giáo tại Nga, cuối cùng bị chính sức mạnh tôn giáo lật đổ, thì CSVN với tình hình kinh tế tài chánh suy sụp, trước những chống đối mãnh liệt của người Việt trong nước và hải ngoại, cũng như quốc tế,  liệu có thể tiêu diệt hoặc khống chế được  các tôn giáo tại Việt Nam hay không, và hậu quả cuối cùng sẽ như thế nào ?

***

Mác (Marx) từng khẳng định : “Tôn giáo là thuốc phiện của loài người”. Nhưng trước những chống đối mạnh mẽ tư tưởng phản tôn giáo của ông, Mác lại tuyên bố nhẹ nhàng hơn nhằm vuốt ve tôn giáo, cho tôn giáo như là “tiếng thở dài của sinh vật bị áp bức, là trái tim của thế giới vô tâm nhất”. Có lẽ chính Mác cũng biết rằng chống lại tôn giáo là việc không thể thực hiện được.

Vào đầu thế kỷ thứ 20, sau khi nước Nga bị đặt dưới dưới sự cai trị của chính quyền vô sản, Nga là nước đầu tiên trong lịch sử loài người đã tìm cách tiêu diệt tôn giáo, xóa bỏ ý niệm về “Thượng Đế”. Bởi vậy, khi bàn về tôn giáo Lê nin đã nói như sau:

“Mỗi ý niệm về tôn giáo, về Thượng Đế, mỗi lời tán tỉnh với ý tưởng thượng đế, tất cả chỉ là những gì bỉ ổi, xấu xa nhất không thể diễn tả được, một thứ bỉ ổi xấu xa nguy hiểm nhất, một thứ bệnh truyền nhiễm kinh tởm nhất” (!). Để nhấn mạnh thêm tư tưởng chống tôn giáo của ông, Lê nin nói: “Hàng triệu hành động bẩn thỉu nhất, hành vi bạo tàn nhất, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất vẫn không nguy hiểm bằng những ý niệm về thần linh, về thượng đế được bao che bằng cái áo lý tưởng khôn ngoan nhất” (Lê Nin Toàn Tập, tập 35, trang 89- 90; Bàn về Nước Nga trang 270-71.)

Đó là những nguyên lý, ngôn từ của các ông tổ chủ nghĩa Mác-xít, Lê Nin nít mà có một thời đã làm mưa làm gió trên nửa phần thế giới. Lê nin, và những người kế vị đã từng tìm mọi cách để cộng sản hóa toàn địa cầu, biến địa cầu thành một thế giới vô tâm, vô tín ngưỡng, vô tôn giáo..

Một điều nghịch lý là tuy CS chủ trương tiêu diệt tôn giáo nhưng họ thiết lập một hệ thống tôn giáo mới, tôn giáo cộng sản để khống chế loài người với các tín điều đấu tranh giai cấp, tiêu diệt hoàn toàn tự do của con người, biến con người thành những con vật chỉ biết cúi đầu khuât phục nhóm cầm quyền bằng bạo lực là đảng cộng sản độc tôn.

Cuộc đàn áp tôn giáo trên thế giới khởi đầu từ Liên Xô. Đảng cộng sản Nga đã áp dụng phương thức nào nhằm khống chế và tiêu diệt các tôn giáo, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu dưới đây qua tài liệu quan trọng được tiết lộ bởi một diệp viên cao cấp KGB, ông Mitrokhin, đã từng đào thoát tỵ nạn tại Anh vào năm 1992.

VÀI HÀNG VỀ MITROKHIN

Vasili Nikitich Mitrokhin sinh năm 1922 tại một vùng thuộc trung bộ nước Nga. Ông gia nhập ngành tình báo Liên xô năm 1948 với tư cách một sĩ quan tình báo Ngoại Giao, một ngành của cơ quan tình báo MGB, tiền thân của KGB. Thời gian 5 năm trường hoạt động tình báo của Mitrokhin cũng trùng hợp với cuộc khủng hoảng trầm trọng của ngành tình báo Liên Xô. Chính trường Liên Xô thật rối loạn trong không khí hoàn toàn hoang tưởng, nghi kỵ bao trùm khắp nơi vào lúc xế chiều của nhà độc tài Stalin. Ngành tình báo Liên Xô lúc ấy do Lavrenti Beria cầm đầu, mở chiến dịch bài Ti tô và bài Do Thái. Beria ra lệnh tìm kiếm và tổng tiêu diệt những âm mưu chống đối nhà nước Liên Xô với cái gọi là “Âm mưu của Titoism (chủ nghĩa Tito) và Zionist (chủ nghĩa Do Thái)”. Thực ra đây chỉ là âm mưu giả do tình báo LX ngụy tạo. Qua chiến dịch này, nhiều nhà trí thức đã bị hàm oan. Trong hoàn cảnh này, Mitrokhin được lệnh điều tra một nhà báo tên Yuri Zhukhov của tờ Pravda tại Paris về cái gọi là “liên hệ với bọn Do Thái”, chỉ vì ông có vợ người Do Thái. Trong lúc thi hành nhiệm vụ, Mitrokhin đã khám phá ra đây chỉ là âm mưu của KGB.

Một tuần lễ sau khi Stalin mất, chính Beria, Giám đốc KGB, đã công bố rằng các đối tượng trong chiến dịch nói trên chỉ là giả tưởng (!!!). Sau này Beria bị phe xét lại (4) bắt giam vì tội làm tay chân thuộc hạ cho nhà độc tài Stalin để ám hại những thành phần mà Stalin coi là nguy hiểm cho chế độ. Cuối cùng Beria bị xử bắn với tội danh giả khác “làm gián điệp cho tình báo Anh”. Thực ra tội của Beiria đã quá lớn, giết quá nhiều người, kể cả hiếp dâm trẻ em, vị thành niên, nhưng vì sợ gây tai tiếng cho chế độ, nên chính quyền đã phải đổi ra tội danh khác.

Trong tình hình này, Mitrokhin được giao nhiệm vụ giữ văn khố của KGB, một công việc nhờ đó Mitrokhin đã khám phá được rất nhiều sự thật tàn bạo của chế độ CS tại Liên Xô, trong đó có âm mưu tiêu diệt và khống chế tôn giáo. Năm 1992, do sự móc nối của tình báo Anh, Mitrokhin đã đào thoát tỵ nạn và cung cấp cho tình báo Tây Phương những tài liệu quý giá.

GIAI ĐOẠN TIÊU DIỆT TÔN GIÁO : THỜI ĐẠI LENIN – STALIN

Ngày 20 tháng 1 năm 1918, chỉ một thời gian ngắn sau khi Lê Nin nắm chính quyền tại Nga, nhà nước CS đã ra sắc luật tước bỏ mọi quyền hành của các giáo hội, trong đó có quyền sở hữu tài sản tôn giáo. Giáo hội lớn nhất tại Nga là Chính Thống Giáo (Orthodox) chịu một sự thiệt hại lớn.

Tuy nhiên trong vài năm đầu, chính quyền còn đang phải lo diệt trừ các thành phần “phản động” nên họ chưa thi hành triệt để sắc lệnh này. Hơn nữa, thế lực của các giáo hội còn rất mạnh trong xã hội Nga vào thời đó. Các tổ chức tôn giáo kịch liệt chống lại sắc lệnh. Tổng Giám Mục (TGM) Tikkon Chính Thống Giáo Nga cho rằng “đây là hành động công khai tiếp tay cho kẻ thù của Chúa Jesus” dù rằng Ngài đã không nêu đích danh nhà nước cộng sản là thủ phạm. Ngài đã trở thành cái gai cần phải nhổ đối với nhà nước vô sản.

Tháng hai năm 1922, sau khi đã loại bỏ các thành phần “phản cách mạng”, nhà cầm quyền xô viết tịch thu toàn bộ tài sản của các giáo hội, kể cả những bảo vật được cất giữ trong các nhà thờ. Tổng Gíam Mục Tikkon không thể làm gì khác hơn đành phải nhượng bộ, nhưng Ngài cố vớt vát đưa ra điều kiện là tài sản tịch thu phải được dùng cứu trợ những người đang gặp nạn đói tại vùng Volga.

Đối với nhà cầm quyền cộng sản, đây là một đòi hỏi thật phi lý, vì chính quyền chuyên chính độc tài nào lại chịu nghe điều kiện của những người mà họ đã đặt ra ngoài vòng pháp luật. Và dĩ nhiên, nhà nước  CS chẳng bao giờ chấp nhận đòi hỏi đó của TGM Tikkon.

Mặt khác, nhà cầm quyền đã ủng hộ nhóm tu sĩ vì sợ hãi phải hợp tác với chính quyền, hoặc những tu sĩ từng có cảm tình và ủng hộ cuộc “cách mạng” vô sản.

Song song với các cuộc bặt bớ, đàn áp các tu sĩ, nhà nước CS đã tịch thu các nhà thờ, các cơ sở tôn giáo. Các dấu hiệu tôn giáo hoàn toàn bị tháo gỡ, nơi thờ phượng được dùng làm kho chứa hàng, nhà chứa xe, rạp hát, và nhiều dịch vụ khác kể cả để chứa súc vật.

Chính Thống Giáo là tôn giáo lớn nhất và là một giáo hội tự trị ở Nga, hoàn toàn không lệ thuộc hoặc được tiếp trợ từ bên ngoài như giáo hội Công Giáo trực thuộc giáo hội La Mã. Cuộc đàn áp mãnh liệt Chính Thống Giáo tại Nga đã bị bưng bít hầu như thế giới hoàn toàn không biết, hoặc biết rất ít. Người theo Công giáo tại Nga không nhiều, hầu hết các tu sĩ  Công Giáo không hợp tác với chính quyền cộng sản, nhiều người còn ngấm ngầm chống đối, tìm cách liên lạc bí mật với Vatican, nhưng dưới gọng kềm và bức màn sắt bao phủ trọn vẹn nước Nga, họ khó có thể làm đuợc gì.

Hậu quả TGM Tikkin bị mất chức và bị quản thúc tại gia. Những tu sĩ hợp tác với chính quyền đă thay thế và điều hành giáo hội và tự cho rằng họ chiếm đa số của giới tăng lữ và tu sĩ. Kể từ đó, Giáo Hội Chính Thống Nga được cải danh thành Giáo Hội Cải Cách, hoặc Giáo Hội Sinh Động (Living Church). Các tu sĩ được phép lập gia đình. Còn Giáo Hội Chính Thống hoàn toàn bị tan rã, sự thống nhất của Giáo Hội không còn, chính quyền tha hồ khống chế, điều khiển tôn giáo theo ý muốn của họ để xã hội Nga từ từ biến thành một xã hội vô tôn giáo.

Cũng cần nhấn mạnh ở đây là hầu hết các giáo sĩ  đều không hưởng ứng hợp tác với nhà nước. Cũng vì vậy, họ đã bị bắt giam, bị xử tử, bị thủ tiêu, hoặc lưu đày ở vùng băng tuyết để chờ chết.. Hầu hết đã không còn sống sót để trở về.

TGM Tikkin cuối cùng được thả. Vẫn không khiếp sợ, Ngài liền lên án hiện tượng tan rã của Giáo Hội do nhà nước chủ trương. Nhiều tu sĩ trước đây hợp tác với chính quyền nay nghe lời TGM đã quay về với giáo hội nguyên thủy. TGM Tikkin qua đời năm 1925. Những người kế nghiệp Ngài lần lượt bị bắt.

Năm 1927, đứng trước sự áp bức gia tăng của chế độ Stalin, và trước cơ nguy giáo hội Chính Thống Giáo có thể hoàn toàn bị tiêu diệt, người kế nhiệm là TGM Sergius buộc lòng phải hứa trung thành với nhà nước cộng sản để tạm thời cứu nguy và chờ thời cơ.

Đây là giai đoạn cực kỳ tàn bạo nhằm trừ khử tôn giáo, thời kỳ tiêu diệt những thành phần cứng đầu trong các tôn giáo đối với nhà nước.

Sau hai thập niên khủng bố và đàn áp, toàn nước Nga chỉ còn sót lại khoảng vài trăm trong số hàng trăm ngàn nhà thờ trên toàn nước Nga trước đây. Những nhà thờ  còn lại này được phép hoạt động vì phục tùng chính quyền, và đặt đưới sự  kiểm soát của nhà nước cộng sản.

Bài học: Trong sự đàn áp dã man của các chế độ cộng sản, bất cứ sự chống đối nào cũng hoàn toàn bị tiêu diệt. Chủ trương tiêu diệt tôn giáo của cộng sản là triệt để, nhưng nó chỉ có triệt để khi nó hoàn toàn kiểm soát xã hội và không có sự can thiệp từ bên ngoài.

GIAI ĐOẠN PHỤC HỒI

(Thời kỳ mở cửa với thế giới bên ngoài)

Hiến pháp năm 1936 của nhà nước Cộng Sản Nga công nhận quyền tự do tôn giáo. Đây là một nhượng bộ lớn của chế độ Mác Xít tại Nga, nhưng quyền này hầu như không hiện thực. Mãi đến thế chiến thứ hai, do nhu cầu cần các giáo sĩ huy động nhân lực chống  Phát Xít Đức xâm chiếm nước Nga, Stalin vuốt ve các giáo hội, cho phép tôn giáo hoạt động trở lại, tuy nhiên vẫn nằm trong vòng tay kiểm soát của nhà nước. Nhờ thế, giáo hội Chính Thống tại Nga không bị tiêu diệt và có cơ may phục hồi.

Sau thế chiến thứ hai, không thể tiêu diệt được tôn giáo, nhà nước Cộng Sản tìm cách khống chế các giáo hội. Để che mắt thế giới, Stalin vẫn để cho các giáo hội tại Moscow hoạt động. Các nhà thờ được mở cửa nhưng rất hạn chế, và hoàn toàn bị nhà nước khống chế và lèo lái để tiêu diệt những mầm mống chống đối qua các nhân viên mật vụ trà trộn trong hàng ngũ giáo sĩ, giáo dân.

GIAI ĐOẠN KHỐNG CHẾ

Năm 1944, nhà nước thành lập các Hội Đồng Tôn Giáo nhằm kiểm soát, khống chế các tôn giáo. Có hai Hội đồng, một  nhằm khống chế Giáo Hội Chính Thống, một khống chế các giáo hội Công giáo, Tin Lành, Do Thái, Phật Giáo, Hồi Giáo v.v.. Tất cả đều được điều hành bởi cơ quan mật vụ NKVD (tiền thân của KGB).

Năm 1949, nhà nước Liên Xô thành lập Hội Đồng Hòa Bình Thế Giới (World Peace Council, viết tắt WCC), một tổ chức ngoại vi với mục đích yểm trợ và bảo vệ uy tín của Liên Xô trên thế giới. Cũng cần nhắc lại là sau thế chiến thứ hai, Liên Xô vì quá kiệt quệ buộc phải quan hệ với các đồng minh chống phát xít Đức trên thế giới để nhờ viện trợ tái thiết. Nhờ đó, vấn đề tôn giáo tại Nga không còn bị che giấu và bưng bít như trước đây.

Qua Hội Đồng này, những hành động đàn áp tôn giáo của Liên Xô được che giấu hoặc bênh vực qua những nghị quyết với lời lẽ không hề nhắc đến vấn đề tôn giáo tại Liên Bang Xô Viết. Cơ quan mật vụ Liên Xô trực tiếp điều khiển tổ chức Hòa Bình Thế Giới này qua các tu sĩ  được nhà nước đào tạo, mua chuộc hoặc khống chế, đe dọa. TGM Aleksi thuộc tổng giáo phận Krutitsky, TGM Nilolai thuộc giáo hạt Kolomna là những thí dụ điển hình.

Alekksi từng tuyên bố vào năm 1955 : “Hội Thánh Chính Thống Giáo Nga hoàn toàn ủng hộ chính sách ngoại giao hòa bình của chính phủ chúng tôi, không phải vì những lời cáo buộc  về đàn áp tôn giáo, mà vì chính sách của nhà nước Xô Viết phù hợp với ý niệm của Thiên Chúa mà giáo hội chúng tôi hàng rao giảng” (Meeson: Triết lý Chính Trị của Giáo Hội Chính Thống Nga thời kỳ Xô Viết, tr. 221).

Đến thời Krutchev, để ủng hộ cái gọi là “chính sách hòa bình” của Liên Xô, Hội Nghị Hòa Bình Thiên Chúa Giáo (Christian Peace Conference: CPC) được thành lập năm 1958 mà tổng hành dinh đóng tại Prague, thủ đô Tiệp Khắc, một nước chư hầu do Liên Xô dựng nên sau thế chiến thứ hai. Giáo Hội Chính Thống Nga đã được KGB sử dụng qua một số tu sĩ cao cấp để bênh vực những cuộc đàn áp các cuộc nổi dậy của dân tộc Tiệp Khắc và Hung Gia Lợi đòi độc lập và tự do. Hội Nghị lần thứ 2 năm 1960, các tu sĩ đại biểu Liên Xô (KGB trá hình) tuy số ít nhưng với sự lèo lái của KGB đã hoàn toàn khống chế hội nghị với những nghị quyết hoàn toàn có lợi cho Liên Xô. (Revesz: Hội Nghị Hòa Bình Thiên Chúa Giáo).

Năm 1961, dưới sự lãnh đạo ngấm ngầm của KGB, Giáo Hội Chính Thống Nga đã gia nhập tổ chức Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới (World Council of Churches: WCC), một tổ chức có tầm ảnh hưởng lớn đến các vấn đề chính trị, tôn giáo, xã hội trên thế giới. Trong giai đoạn này, Krushchev mở chiến dịch đàn áp cực kỳ dã man các giáo hội trong nước, đóng cửa phần lớn các nhà thờ từng được tái hoạt động trước đây. Phân nửa đã bị cấm đoán vì không chịu hợp tác với nhà nước. Số còn lại đều bị KGB kiểm soát và khống chế chặt chẽ.

Vào năm 1961, một báo cáo của KGB về tình hình tôn giáo tại Nga được Mitrokhin tiết lộ sau này nội dung như sau:

“Có khoảng 600 người dự các lớp đào tạo giáo sĩ trong giáo phận Moscow và 5 chủng viện. Phải khai thác để đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Chúng ta phải gài người của chúng ta vào hàng ngũ các chủng sinh này, để về sau họ sẽ gây ảnh hưởng lên các hoạt động của giáo hội Chính Thống Nga, họ sẽ là nhân viên của chúng ta để gây ảnh hưởng đến các tín đồ tôn giáo..”

………

Năm 1962, Gribanov, Phụ Tá Giám Đốc của KGB báo báo rằng: “KGB đã thành công trong việc cho xâm nhập những điệp viên có khả năng và giá trị vào các chức vụ cao cấp của giáo hạt Moscow và  các địa phận của Công Giáo, của giáo hội Armenian Gregorian”. Ông ta tuyên bố: “Với những điệp viên này, chắc chắn chúng ta sẽ loại bỏ được bọn tu sĩ và giáo hội phản động ra khỏi chức vụ của họ”.

Bởi thế, trong thành phần của các phái đoàn đi dự các hội nghị hòa bình, hội nghị tôn giáo quốc tế đều đựợc KGB tuyển chọn thật kỹ càng. Người ta không ngạc nhiên khi các tu sĩ của phái đoàn Liên Xô đều bác bỏ những lời kết án về đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền của CS tại Nga.

TU SĨ ĐIỆP VIÊN

Các “tu sĩ điệp viên” của KGB được lồng vào các phái đoàn ra hải ngoại mang những bí danh Altar, Svyatoslav, Adamant, Magister, Roshchin và Xemnogorsky. Có một lần phái đoàn các tu sĩ điệp viên của Nga đến Anh Quốc tham dự cuộc họp của Ban Trung Ương Nghị Hội Tôn Giáo Thế Giới (WCC). Họ đã thành công vô hiệu hóa những lời đả kích, chống đối chính sách đàn áp tôn giáo tại Liên Xô.

Trưởng phái đoàn là Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo Nikodim, một điệp viên quan trọng mang bí danh ADAMANT. Việc đào tạo Nikodim trở thành người lãnh đạo cao cấp của giáo hội Chính Thống phục vụ cho nhà nước được KGB chuẩn bị và tuyển chọn rất kỹ. Do sự sắp xếp của KGB, năm 1960 Nikodim mới 31 tuổi đã được phong chức giám mục (GM), một gíám mục trẻ nhất từ trước đến nay. Chỉ một năm sau, ông ta được cất nhắc đặc trách ngoại vụ giáo phận Moscow. Năm 1964 được tấn phong Tổng Giám Mục Leningrad.

Trách nhiệm của Mikodin trong phái đoàn là kềm chế hội nghị Tôn Giáo Thế Giới (WCC) không để xảy ra những tư tưởng chống Liên Xô về vụ đàn áp nổi dậy ở  Tiệp Khắc và các vụ đàn áp tôn giáo tại các nước CS Đông Âu.

Theo báo cáo của KGB, họ đã thành công gài điệp viên vào cơ quan đầu não của Hội Đồng Hòa Bình Thế Giới (WCC). Đó là điệp viên Kutznetsow, bí danh của Alexi Sergeyevich Buyevsky, một thư ký của Ban ngoại giao  giáo phận Moscow dưới quyền của TGM Nikodim. Gia nhập Ban Ngoại Vụ năm 1946, Buyevsky từng tháp tùng phái đoàn tôn giáo ra hải ngoại, và là người từng gặp gỡ những nhân vật quan trọng của các tôn giáo nước ngoài tại Moscow. Trong những thập nhiên 70, 80, ông ta giữ vai trò tối quan trọng trong Uỷ Ban Trung Ương của tổ chức WCC, là người chủ động thảo ra các nghị quuyết của các hội nghị hòa bình thế giới.

Trong 130 thành viên của Ủy Ban Trung Ương/Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới, có 42 % từ các nước Tây Phương, 28 % của các nước Đông Âu, 30 % từ các nước thứ ba (hầu hết từ Phi Châu). Liên minh các đại biểu Đông Âu và Phi Châu đồng thanh kết án các đại biểu từ các nước tây phương là đại biểu cho “đế quốc thực dân”.

SỰ THẬT ĐƯỢC PHƠI BÀY

Mục Sư Richard Halloway thuộc Giáo Hội Tân Giáo tại Ái Nhĩ Lan là một nhân chứng đã diễn tả ảnh hưởng của KGB trong các phong trào “hòa bình” và “tôn giáo” như sau:

“Tôi đã chứng kiến một điều lệ ngầm rằng các vấn đề của Liên Xô không được phơi bày ra. Tuy nhiên mọi người đều thừa biết Liên Xô là một nước vô địch về vi phạm nhân quyền và điều hiển nhiên là nó ít được trình bày ra. Tôi nghĩ rằng tình trạng này cần được chấm dứt. Liên Xô cần phải công khai thú nhận…..

 “Vào cuối năm 1989, Ủy Ban Trung Ương của Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới này, được điều khiển bởi các điệp viên KGB đội lốt tu sĩ  đã chấp nhận thông qua nhiều nghị quyết và thông cáo phù hợp với chế độ chính trị của các nước Cộng Sản”.

Dưới sự chỉ đạo của KGB, các thành viên giáo hội Chính Thống Nga đã từng tuyên bố rằng “giáo hội Chính Thống Giáo tại Nga có mọi quyền tự do tôn giáo”.

Năm 1975, TGM Yuvenali của địa phận Krutitsky và GM Kolomne (thay thế TGM Nilkodim) thăm viếng Anh Quốc trong dịp tấn phong Bác Sĩ Donald Coggan làm giám mục Canterbury, đã công kích khuynh hướng của giáo hội Anh là “thiếu vô tư về tình hình giáo hội tại Nga”. Y công kích đại học Keston, một trung tâm nghiên cứu thế giới về những cuộc đàn áp tôn giáo tại các nước cộng sản. Trung tâm này được điều hành bởi linh mục Michael Bourdaux, một nhân vật được CS coi như chống Liên Xô. Để đáp lại, BS Coggan mặc dù là một người rất nhã nhặn, đã cương quyết bênh vực cho lập trường trung lập của Đại Học Keston, khiến cho TGM Yuvenali (điệp viên KGB) tức giận. \

Hai năm sau, BS Coggan trong cuộc viếng thăm Liên Xô đã làm cho chủ nhân phải tức tối khi Ngài không theo chương trình và lịch trình (trình diễn) được sắp đặt của nhà nước Liên Xô, bất ngờ đến thẳng ngục thất để thăm một Mục Sư Tin Lành đang bị Cộng sản giam giữ  là Mục sư Georgivins.

Một trong những điệp viên KGB khác đội lốt tu sĩ  là giáo sĩ Iosif Pustoutov, bí danh Yesaulenko, được KGB cài vào làm việc tại phòng ngoại giao của Giáo hội Chính Thống nhằm tuyên truyền và phản tuyên truyền các dư luận của phương Tây. Được thu nhận năm 1970 lúc mới 26 tuổi, Pustoutov đã theo phái đoàn tôn giáo Liên Xô đến các nước Hòa Lan, Tây  Đức, Ý, Pháp…. Năm 1976, y được cử làm đại diện cho giáo phận Chính Thống Giáo Moscow trong bộ tham mưu của Hội Đồng Hòa Bình Thiên Chúa Giáo (Christian Peace Conference) đóng tại Prague, Tiệp Khắc.

Thật ra, hầu hết các tu sĩ thuộc giáo hội Chính Thống Giáo Nga đều lâm vào tình trạng “không thể nào làm khác hơn được”. Họ phải chấp nhận những ép buộc đến từ Bộ Nội Vụ nhà nước Liên Xô. Cũng có nhiều tu sĩ âm thầm phản kháng, nổi nhất là linh mục Dimitri Dudko. Sau này, linh mục Dudko cho biết như sau: “Một trăm phần trăm các nhà tu hành đều bị buộc phải hợp tác với KGB trong mức độ nào đó, nếu không, họ sẽ bị tước hết moị quyền hành trong giáo hội”.

Một số nhỏ chống đối khác đã thành công thoát khỏi sự hợp tác với KGB. Năm 1991, trước khi Liên Xô tan rã, viên phó giám đốc cuối cùng của cơ quan tình báo khét tiếng KGB tên là Anatoli Oleiniko trả lời trong một cuộc phỏng vấn cho biết có khoảng 15 đến 20 phần trăm tu sĩ từ chối làm việc cho KGB. Thiểu số tu sĩ can đảm đó dĩ nhiên đã bị KGB trả thù, hoặc bị kềm hãm không cho thăng chức trong giáo hội.

***

Tóm lại, cuộc đàn áp tôn giáo tại Nga trong thời kỳ Cộng sản thật khốc liệt, nhất là dưới thời Lê nin và Stalin. Nếu không có thế chiến thứ hai bùng nổ, có lẽ sẽ không còn bóng dáng các nhà thờ trên đất  Nga. Tuy nhiên, dù bị đàn áp, nhưng với lòng dũng cảm và tôn thờ đứng tối cao, những vị tu sĩ và tín đồ các tôn giáo vẫn âm thầm chịu đựng. Cũng có nhiều người chấp nhận tù đày, kể cả hy sinh mạng sống của mình, chỉ mong sao phục hồi được quyền tự do tôn giáo cho mọi người.

Bài học: Bạo lực cho dù tàn ác và khốc liệt đến mấy đi nữa cũng không thể nào xóa bỏ được tôn giáo. Tôn giáo có thể tạm thời không còn hiện diện bên ngoài trong một giai đoạn nào đó, nhưng trong tâm hồn mỗi người và trong chiều sâu của xã hội tôn giáo vẫn không bao giờ mất. Hậu quả là : chế độ nào tìm cách đàn áp và tiêu diệt tôn giáo cuối cùng chế độ đó cũng sẽ bị tiêu diệt.

(Còn tiếp: đàn áp và tiêu diệt tôn giáo tại Việt Nam)

Hoàng Độ

Tài liệu tham khảo:

  • The Sword and the Shield (The Mitrokhin Archive and the Secret History of the KGB): Christopher Andrew and Vasili Mitrokhin; Basic Books, 1999.
  • Britannica Encyclopedia 1999.
Print Friendly, PDF & Email