06-4-2016

cứu mặn Tiền Giang

Miền ĐBSCL khô hạn thiếu nước trầm trọng

Tỉnh Long An không đồng ý giúp Tiền Giang đắp đập ngăn mặn tại 5 con rạch tiếp giáp sông Vàm Cỏ Tây, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Tuy nhiên, trả lời BBC Tiếng Việt, ông Lê Văn Hoàng – giám đốc Sở Nông nghiệp Long An nói: “Chúng tôi và các anh em Tiền Giang đang ngồi đây họp. Theo tình trạng hạn mặn nghiêm trọng, trong vài ngày tới chúng tôi có thể phải đáp 5 – 6 cái đập ngăn mặn, chứ không thể không đắp, kể cả ở Bến Kè, trên Quốc Lộ 2, đang là nơi bị nặng nhất.”

Ông Hoàng cho biết có thể sẽ phải “khởi công đồng loạt” và thời gian thi công “chỉ chừng ba bốn ngày là xong.”

Ông Hoàng cũng nhấn mạnh: “Không có chuyện Long An không đồng ý hỗ trợ Tiền Giang. Đó là các báo có lẽ nghe chưa kỹ.”

Nước mặn trên con sông Vàm Cỏ Tây đang tràn về Tiền Giang. Tỉnh này, cùng với Bến Tre, chịu thiệt hại nặng nề từ đầu mùa khô vì hạn hán và xâm nhập mặn.

Các tỉnh miền Tây Nam Bộ Việt Nam đang tìm cách vượt qua tình trạng xâm nhập mặn nặng nề, bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán 2016.

Nước ngọt ở nhiều nơi thiếu nghiêm trọng. Trong tuần rồi, tàu vận tải quân sự của Quân khu 9 đã được điều đến chở nước ngọt cho người dân ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre – một trong những trung tâm thiệt hại nặng nề vì xâm nhập mặn tại đồng bằng Sông Cửu Long, các báo trong nước đưa tin.

Nước thượng nguồn sớm cứu mặn?

Văn phòng Ủy ban Sông Mekong Việt Nam trả lời báo Tuổi Trẻ lượng nước từ Trung Quốc xả xuống có thể “giải quyết đáng kể tình trạng hạn, mặn”.

Tuy nhiên, trong trả lời phỏng vấn với BBC ngày 6/4, ông Kỷ Quang Vinh, chánh văn phòng Biến đổi khí hậu Cần Thơ cập nhật: “Tình hình đo mặn tại Trạm Cái Cui nồng độ mặn trung bình trên dưới 0.12 ‰, có thể là do nước thủy triều đang xuống theo chu kỳ.”

“Còn về mực nước thì không thấy rõ tác động của việc xã nước từ các đập của Trung quốc và Lào.” – Ông Vinh nói.

xả nước để giải hạn

Cả Trung Quốc và Lào đều công bố xả nước để giải hạn khu vực hạ nguồn sông Mekong

“Cần chú ý, trong mùa khô hạn hàng năm lưu lượng (trung bình/ngày) thấp nhất đo tại Tân Châu là 2500m3/s còn chưa đủ để đẩy mặn hoàn toàn cho Đồng bằng sông Cửu Long. Thì với lưu lượng khoảng 3.000m3/s do Trung Quốc và Lào xả ra cách xa Tân Châu khoảng 2.000km thì hầu như không có khả năng đẩy mặn cho đồng bằng sông Cửu Long.”

Văn phòng Biến đổi khí hậu Cần Thơ là nơi cung cấp các thông số đo độ mặn tại các trạm do trung tâm này quản lý ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu long.

Ông Vinh không lạc quan về việc đồng bằng sông Cửu long sẽ bắt đầu cải thiện tình trạng hạn mặn vào ngày 7/4.

Ông nói: “Theo số liệu thực tế cho thấy với lưu lượng xả nước của Trung quốc và Lào như hiện nay, thì chỉ đủ cung cấp nước cho các vùng bị khô hạn của Lào và Thái Lan thôi.”

Lấy ‘cực đoan’ làm chuẩn mực?

Nhiều công trình ngọt hóa, cống nước ngọt, đắp đập ngăn mặn… thường xuyên được bàn đến và thực hiện ở Đồng bằng Sông Cửu Long nhiều năm trước, dựa trên các dự báo về nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

Khi hạn hán và thiên tai hạn mặn xảy ra năm nay, một lần nữa câu chuyện giải pháp cho vùng lúa này lại được nói đến trong các diễn đàn của các nhà khoa học chuyên về sông Mekong và nguồn nước.

Trao đổi với BBC Tiếng Việt, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về nghiên cứu về sinh thái khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, phân tích: “Giải pháp công trình có lắm vấn đề. Thứ nhất là nó gây tù đọng nước và ô nhiễm. Môi trường nước không được trao đổi thì tích tụ ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng sinh thái và môi trường sống của con người.

Các công trình cống, ngọt hóa, đập

Các công trình cống, ngọt hóa, đập… thường thấy ở Đồng bằng sông Cửu Long để chống mặn

“Thứ hai, các công trình cản trở thủy sản nước mặn và nước lợ từ biển vào, làm mất nguồn sinh kế, nguồn protein quan trọng của người dân.”

Thứ ba là chi phí của các công trình này chưa bao giờ được tính toán một cách thỏa đáng, vì thường là tiền trung ương cấp, có thể từ vốn vay nước ngoài, nên địa phương xem là tiền miễn phí và chưa được so sánh với lợi ích mà nó mang lại. ”

Ông Thiện cũng nhận định: “Không nên giật gân và hành động giật tốc vì tình hình mặn cực đoan của năm nay. ”

“Lập chiến lược lâu dài thì nên dựa vào khuynh hướng lớn nhiều năm và có dự trù tình huống cực đoan, chứ không nên dùng năm cực đoan làm chuẩn để lập chiến lược.”

Print Friendly, PDF & Email