• 25 tháng 7 2017 BBC
Image captionMột số nhà hoạt động cáo buộc rằng tuy “phiên tòa công khai” nhưng họ không được vào dự khán

Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam vừa kết án nhà hoạt động Thúy Nga 9 năm tù và năm năm quản chế tại phiên xử hôm 25/7.

Bà Trần Thị Nga, tức Thúy Nga, bị Công an tỉnh Hà Nam bắt tạm giam hồi tháng 1/2017 với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 88 Bộ luật hình sự.

Bà Nga là một trong các nhà hoạt động thường xuyên tham gia biểu tình chống Trung Quốc, tuần hành vì môi trường, phản đối công ty Formosa trong thảm họa môi trường miền Trung, trợ giúp dân oan khiếu kiện.

Hôm 25/7, một số nhà hoạt động cáo buộc rằng tuy “phiên tòa công khai” nhưng họ không được vào dự khán.

 

Ngư dân đi kiện Formosa ‘bị chặn’

Trước đó khi tòa tạm nghỉ buổi trưa, Luật sư Hà Huy Sơn, công ty luật Hà Sơn, một trong ba người bào chữa cho bà Thúy Nga, nói với BBC qua điện thoại: “Viện Kiểm sát đề nghị mức án 9, 10 năm tù giam đối với bà Thúy Nga.”

“Chiều nay, trong phần tranh tụng, tôi sẽ giữ quan điểm là không có căn cứ buộc tội bà.”

“Tuy nhiên bản án cuối cùng tòa tuyên thế nào thì đó là trách nhiệm của Hội đồng Xét xử.”

Luật sư cũng nói thêm: “Theo quan sát của tôi, phiên tòa hôm nay cũng không khác gì mấy các phiên xử các nhà hoạt động khác.”

“Các nhà hoạt động không được vào dự, còn bên trong khán phòng thì chỉ toàn công an và những người dự khán được bố trí là tổ dân phố, cán bộ hội phụ nữ…”

“Qua một số phiên tòa gần đây, tôi nhận có xu hướng là mức án cho các nhà hoạt động bị truy tố đang ngày càng nặng hơn so với trước đây.”

ngaBản quyền hình ảnhFB LUONG DAN LY
Image captionNhà hoạt động Thúy Nga có hai con trai 5 và 7 tuổi

‘Hù dọa’

Cùng ngày, ông Lương Dân Lý, chồng của bà Trần Thị Nga, nói với BBC: “Tôi ở ngoài tòa án nghe ngóng tin do họ không cho tôi dẫn hai đứa con 5 và 7 tuổi cùng vào dự.”

“Tôi mong vợ tôi sẽ có án nhẹ hơn mức bị đề nghị.”

“Và dù mức án tuyên thế nào thì tôi tin rằng Thúy Nga vẫn không thay đổi lập trường.”

“Nếu mức án tuyên với Nga càng nặng thì càng chứng tỏ chính quyền muốn hù dọa các nhà hoạt động khác chứ không phải căn cứ theo luật pháp.”

Thông cáo hôm 25/7 do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát đi kêu gọi Việt Nam “cần lập tức phóng thích nhà hoạt động vì nhân quyền Trần Thị Nga và hủy bỏ mọi cáo buộc về bà.”

“Chính phủ Việt Nam thường áp dụng biện pháp cực đoan hòng dập tắt tiếng nói phê bình, nhằm vào các nhà hoạt động như Trần Thị Nga với cáo buộc ngụy tạo có mức án tù nhiều năm, sách nhiễu và ngược đãi gia đình họ,” thông cáo dẫn lời ông Phil Robertson, phó giám đốc ban Á châu của HRW.

“Các nhà tài trợ nước ngoài cần sử dụng ảnh hưởng của mình để gây sức ép đòi thả Trần Thị Nga ngay lập tức, và tuyên bố rõ ràng rằng các mối quan hệ gần gũi hơn sẽ phụ thuộc vào việc Việt Nam chấp nhận tiếng nói chỉ trích, thay vì tống các nhà phê bình vào tù.”

‘Nỗi buồn sông Gianh’ và Formosa

Mẹ Nấm bị tuyên án 10 năm tù

Tháng 6/2017, trong thời gian bị tạm giam ở tỉnh Hà Nam, sức khỏe của Trần Thị Nga được cho là bị suy sụp nhưng cơ quan chức năng khước từ đề nghị đưa bà đi điều trị tại bệnh viện.

Tháng trước, nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, bị tuyên 10 năm tù theo Điều 88.

Trong một diễn biến khác, Cơ quan an ninh điều tra Công an Nghệ An bắt khẩn cấp ông Lê Đình Lượng, 52 tuổi, lao động tự do, về hành vi “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự, theo Thông tấn xã Việt Nam hôm 25/7.

“Kết quả điều tra ban đầu xác định đối tượng Lê Đình Lượng thường xuyên có các hoạt động nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân và gây phức tạp về an ninh, trật tự tại địa phương,” TTXVN tường thuật.

Mẹ Nấm ra tòa và đạo luật Magnitsky từ Mỹ

Cáo trạng nói gì về ‘hành vi’ của Mẹ Nấm?

————————————————​

Nhà hoạt động Trần Thị Nga bị tuyên 9 năm tù

RFA
2017-07-25

Bà Trần Thị Nga bị bắt hôm 27/1/2017.

Bà Trần Thị Nga bị bắt hôm 27/1/2017.

Photo courtesy of Danlambao

 

Nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga vào ngày 25 tháng 7 bị tòa án tỉnh Hà Nam tuyên 9 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’ theo các mục a,b,c khoản 1 Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Một trong 3 luật sư tham gia bào chữa cho nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga tại phiên sơ thẩm trong ngày 25 tháng 7 là luật sư Hà Huy Sơn, sau khi kết thúc vụ xử cho Đài Á Châu Tự Do biết về diễn tiến trong ngày tại tòa:

“Phiên tòa hôm nay các quan điều tra cho rằng nhưng clip có nội dung tuyên truyền chống nhà nước.  Chị Nga ở tòa không thừa nhận những chứng cứ đó và các luật sư chúng tôi cho rằng những chứng cứ thu thập không đúng theo trình tự pháp luật của Việt Nam, nên chúng tôi yêu cầu tòa trả tự do vô tội, nhưng cuối cùng tòa không chấp nhận và tuyên bản án như vậy (9 năm tù, 5 năm quản chế).  Tại tòa tôi không nghe chị Nga nói kháng cáo nhưng tôi nghĩ với tinh thần tòa hôm nay chị sẽ kháng cáo bản án này. Tôi thấy trong phiên tòa không có ai là người của gia đình cả chỉ có công an và những người do tòa triệu tập tới”

Những cáo buộc được nêu tại phiên xử trong ngày 25 tháng 7 đối với nhà hoạt động Trần Thị Nga là đưa lên mạng những bài viết và băng hình video tố cáo nhà nước cộng sản vi phạm nhân quyền, kêu gọi đa nguyên- đa đảng, bãi bỏ Điều 4 Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam qui định sự lãnh đạo toàn diện của đảng cộng sản.

Phiên xử sơ thẩm nhà hoạt động Trần Thị Nga được thông báo công khai; tuy nhiên tương tự những phiên xử giới bất đồng chính kiến lâu nay, không ai được vào dự tòa.

Một số nhà hoạt động là thân hữu của bà Trần Thị Nga đến Hà Nam với mục đích tham dự phiên tòa nhưng đều phải ở ngoài. Nhà hoạt động Lã Việt Dũng từ Hà Nội đến Hà Nam tham dự trình bày lại:

“ Khi mọi người đến đề nghị được tham dự phiên tòa công khai, đã có rất nhiều cảnh sát công an đứng dầy đặc trong sân của tòa án họ lấy cớ trong tòa đã kín người, bọn anh đề nghị bắc loa ra ngoài để nghe và tất nhiên là bị từ chối  lúc đầu họ cũng để đứng đó một cách bình thường, nhưng sau đó họ lấy cớ gây rối bất trật tự  bọn họ đuổi bọn anh ra khỏi vỉa hè đấy, lúc đấy mọi người cũng đồng ý và tiến về vỉa hè  đối diện với tòa và ngồi ở đấy.  Bước tiếp theo họ cho xe đến bật máy nổ khói bụi ầm ĩ mịt mù để bọn anh không thể ngồi đấy được, nhưng mọi người vẫn kiên trì.  Buổi chiều  khi mọi người định quay lại chỗ đó thì họ đã giăng giây kín mít không cho ngồi đó nữa”

Nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga, 40 tuổi, hiện có hai con nhỏ, bị bắt vào ngày 21 tháng giêng năm nay, ngay trước tết âm lịch Đinh Dậu.

Bà là người được biết đến với tinh thần cương quyết, trực diện đấu tranh với lực lượng công an, an ninh, chính quyền trong các lần đi đòi hỏi quyền lợi chính đáng của công dân, chống bất công, cường quyền…

Bản thân là một công nhân xuất khẩu lao động sang làm việc tại Đài Loan, bị ngược đại, thương tích nên bà thấu hiểu hoàn cảnh của những người lao động xa xứ. Sau khi về nước bà tham gia giúp đỡ cho những trường hợp bị lừa xuất khẩu lao động.

Tiếp đó bà tham gia các hoạt động chính trị, xã hội như biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, hỗ trợ cho các nhà hoạt động khác, cũng như giúp đỡ những thành phần dân chúng phải khiếu kiện vì đất đai bị cưỡng chế phi pháp, lên tiếng về thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên tại khu vực biển miền Trung…

Bà Trần Thị Nga từng bị những thành phần mặc thường phục hành hung đến thương tích vào giữa năm 2014. Nhà của bà ở Phủ Lý, Hà Nam thường xuyên bị canh giữ, bị ném chất dơ…

Bà Trần Thị Nga là thành viên của một số tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam gồm Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, Hội Bầu bí Tương Thân…

Phiên tòa sơ thẩm xử nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga diễn ra không bao lâu sau phiên xử một nhà hoạt động nữ khác ở Việt Nam là blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Bà này cũng là một người mẹ đơn thân có hai con nhỏ bị tòa án tỉnh Khánh Hòa vào ngày 29 tháng 6 tuyên án 10 năm tù giam.

Vào ngày 24 tháng 7, Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Nghệ An tiến hành bắt giữ ông Lê Đình Lượng 52 tuổi khi đang đi trên đường đến địa bàn thị xã Hoàng Mai nhân dịp cùng một thân hữu khác đến thăm người vợ của tù nhân Nguyễn Văn Oai.

Cáo buộc được đưa ra trong một thông cáo báo chí nói rằng là ông Lê Đình Lượng có hành vi hoạt động lật đổ nhà nước theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Hình thức bắt giữ ông Lê Đình Lượng bị nhiều người hiểu luật cho là không theo đúng qui định của luật pháp Việt Nam.

Việt Nam mở cửa cải cách kinh tế cách đây 3 thập niên và trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh tại Châu Á; tuy nhiên chính quyền do đảng cộng sản lãnh đạo hầu như bất dung mọi tiếng nói bất đồng.

Print Friendly, PDF & Email