Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam cực lực phản đối và tố cáo: Nhà Cầm Quyền CSVN âm mưu “gài bẫy” và “cô lập” Đan Viện Thiên An ở Huế.
Theo tin từ Huế, Việt Nam ngày 14-6-2016 như sau:
“Bẫy, cô lập” Đan viện Thiên An
Đan viện Thiên An quan ngại khi nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế càng ngày có nhiều chiêu trò tinh vi “xâm phạm thô bạo tự do tôn giáo, tự do cư trú, đưa ra các thông tin sai sự thật, định hướng dư luận làm tổn hại uy tín” các Đan sĩ với mục đích thôn tính “cướp” hơn 107 hécta nhà – đất – rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An.
Điều này được quý Đan sĩ quả quyết trong Bản Kiến Nghị và được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền vào ngày 13.06.2016 do Linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức, Bề Trên Đan viện Thiên An, ký.
Đan viện Thiên An bị “cô lập”
Trong Bản kiến nghị lần này, quý Đan sĩ nhấn mạnh đến thông báo số 61/TB-STNMT của UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế đã “dàn dựng có chủ ý nhằm mục đích chiếm đoạt các giá trị tinh thần và vật chất của Đan viện Thiên An trong đó có khu đất – nhà – rừng thông do Đan viện Thiên An sở hữu và sử dụng từ năm 1940”, và “cố tình che dấu sự thật, đánh tráo thông tin xác định ranh giới Đan viện Thiên An.”
Nội dung chính của thông báo số 61/TB-STNMT cho biết, theo quyết định số 577/QĐ-XKT của Tổng Thanh tra Nhà nước, nhà cầm quyền sẽ tiến hành “khôi phục, tăng dày và cắm mốc ranh giới Đan viện Thiên An” với lý do “nhiều vị trí mốc đến nay đã bị hư hỏng” theo thời gian. Công việc sẽ thực hiện trong hai ngày, từ ngày 15-16.06.2016.
Quyết định thu hồi đất không hợp pháp
Chính vì vậy, quý Đan sĩ viện dẫn nhiều bằng chứng hợp pháp để lập luận, chứng minh những hành vi sai trái, lạm dụng luật của nhà cầm quyền với âm mưu cướp đất của Đan viện Thiên An trong Bản Kiến Nghị, như:
Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 24.12.1999 của Thủ Tướng Chính Phủ do ông Nguyễn Công Tan ký đã “sai trái về thẩm quyền và trình tự ban hành”, cụ thể tại Điều 21, Điều 28, Luật Đất Đai năm 1993, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số: 10/1998/QH10 ngày 02.12.1998 cuả Quốc hội quy định. Bởi vì theo quyết định này, “UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế không thông báo lý do thu hồi, thời gian, kế hoạch di chuyển, phương án đền bù thiệt hại là trực tiếp xâm phạm quyền lợi chính đáng của Đan viện Thiên An.”
Nội dung quyết định số 1230/QĐ-TTg của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế còn “xác định cụ thể mốc giới khu đất trên bản đồ và trên thực địa, đăng ký vào sổ địa chính nhà nước, ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Du lịch Cố đô Huế…”. “Kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng đất và bảo vệ môi trường theo đúng quy định pháp luật”. Hành vi này đã vi phạm tại Điều 20 Luật Tổ chức Chính phủ năm 1992 và Điều 23, Điều 28 Luật Đất Đai năm 1993 không trao thẩm quyền thu hồi đất cho Thủ tướng Chính phủ.
Do đó quyết định số 1230/QĐ-TTg vi phạm luật, không phù hợp, không có “giá trị” và không buộc Đan viện Thiên An phải chấp hành.
Hợp thức hóa cho các cá nhân xây dựng trái phép
Cũng trong Bản kiến nghị, quý Đan sĩ lên án hành vi tiếp tay của nhà cầm quyền địa phương, đã “hợp thức hóa” cho phép “các cá nhân chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc khu nhà – đất – rừng thông do Đan viện Thiên An quản lý”, như nhà hàng Bội Trân và khu biệt thự Cát Tường Quân, là trái với quy định của pháp luật tại Điều 77 Luật Đất đai năm 2003, Khoản 1 Điều 100, Khoản 4 Điều 103 Nghị định số: 181/2004/ND-CP của chính phủ vào ngày 29.10.2004.
“Ai”, tiếp tay cướp đất Đan viện?
Vì vậy, quý Đan sĩ yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền tổ chức đối thoại, giải quyết các kiến nghị của Đan viện Thiên An liên quan đến nhà – đất – rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện từ những năm 1940.
Đan viện Thiên An cũng đề nghị nhà chức trách “thanh tra việc xây dựng nhà hàng Bội Trân và Khu biệt thự Cát Tường Quân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, để làm rõ trách nhiệm UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có liên quan đến việc tiếp tay các cá nhân chiếm đoạt nhà – đất – rừng thông của Đan viện Thiên An hay không?”.
Đồng thời, quý Đan sĩ yêu cầu nhà cầm quyền “giải quyết yêu cầu hoàn trả nguyên trạng khu nhà – đất của trường Thánh Mẫu.”
Với thông báo số 61/TB-STNMT, quý Đan sĩ khẳng định, nhà cầm quyền đã “cố tình” bao che cho các quan chức, hoặc một nhóm lợi ích đã, đang và sẽ xâm phạm đến tài sản hợp pháp của Đan viện dưới sự “bảo kê” của nhà chức trách địa phương. Và “đã tiếp thêm một bước trong việc cưỡng chiếm các giá trị vật chất và tinh thần, cố tình cô lập Đan viện Thiên An.”
Xúc phạm sự linh thánh
Trong thời gian vừa qua, nhiều lần nhà cầm quyền huy động lực lượng công quyền gồm công an, CSCĐ, Ủy ban các cấp, Hội Phụ Nữ… xông thẳng vào nội vi Đan viện – bất chấp sự cản trở của quý Đan sĩ – để nhiễu nhương, mạ lị, xúc phạm, tháo dỡ và đập phá cây Thánh Giá là biểu tượng Đức tin của Người Kitô hữu, thậm chí còn hành hung quý Đan sĩ khi các ngài kiên quyết bảo vệ tài sản của Giáo hội trong thái độ ôn hòa và lịch sự.
Không những vậy, nhà chức trách còn dàn dựng, cho công an tạo hiện trường giả, đóng giả các đan sĩ Đan viện Thiên An chặt phá cây thông… để quay phim, chụp hình trên chính khu đất thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An.
Cũng cần biết thêm, “nhiệm vụ chính yếu của các đan sĩ là phục vụ Thiên Chúa uy quyền trong nội vi Đan viện, với sự khiêm tốn, nhưng cao quí, hoặc hoàn toàn hiến thân phụng thờ Thiên Chúa trọn đời sống ẩn dật, …” (trích Canh tân và thích nghi đời tu của Công đồng Vaticanô II, số 9). Cuộc đời đan sĩ chủ yếu là chuyên chăm cầu nguyện, say mê sự thinh lặng (thường gọi là tu kín), như cha tổ phụ Henris Denis, Đấng sáng lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, đã định nghĩa: “Đan sĩ là con người liên lỷ cầu nguyện.” Các đan sĩ là tu sĩ luôn được mời gọi phải gắn bó với Chúa mỗi ngày thêm mật thiết với Chúa, và hằng tâm niệm: “Hãy vào phòng đóng cửa cầu nguyện như Chúa Giêsu đã dạy, để chỉ một mình Cha trên Trời biết, và Ngài sẽ thương nhận lời chúng ta tha thiết khẩn nguyện” (xem Mt 6,6). Hiểu đơn giản, Đan sĩ, trước hết, chính là tu sĩ sống đời chiêm niệm cách đặc biệt hơn trong đan viện tĩnh lặng (dòng kín).
Chính vì vậy, việc nhà cầm quyền quấy rối đời sống tu trì chiêm niệm, xâm phạm nội vi Đan viện chẳng những là xúc phạm, xâm phạm quyền tự do Tôn giáo, mà còn có thể dẫn đến những hệ quả xấu cho các đan sĩ, vốn là nhũng Tu sĩ chỉ chuyên sống kín trong Đan viện, ít tiếp xúc với người ngoài, không có kinh nghiệm đối phó với những ‘âm mưu, gài bẫy’ của kẻ xấu?