Campuchia trục xuất hơn 100 công dân Việt Nam sang tìm việc

106 người Việt Nam bị Campuchia trục xuất vào ngày 1/6/2021.

Hơn 100 người Việt Nam sang Campuchia tìm việc làm và cư trú bất hợp pháp vừa bị Tổng cục Di trú Campuchia trục xuất vào ngày 1/6, truyền thông Campuchia cho biết hôm 3/6.

Cảnh sát trưởng thị trấn Bavet Em Sovannarith cho biết 106 người Việt Nam đã bị chặn lại tại trạm kiểm soát biên giới quốc tế Bavet lúc 10 giờ sáng trong khi cố gắng qua biên giới tìm việc làm. Chính quyền Campuchia đã bắt giữ nhóm này sau đó giao lại cho các quan chức tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài của Việt Nam.

Cảnh sát trưởng người Campuchia cho biết nhóm người Việt đã làm việc tại tỉnh Svay Rieng, nhưng do Covid-19 nên không thể về Việt Nam.

“Thực tế, họ có cả giấy Chứng minh nhân dân và hộ chiếu để sang Campuchia làm việc. Họ có thể nhập cảnh vào buổi sáng và rời đi vào buổi tối. Nhưng do Covid-19, họ bị mắc kẹt và sau đó chúng tôi đã tìm thấy họ”, Phnom Penh Post dẫn lời Cảnh sát trưởng Sovannarith cho biết.

Theo quan chức Campuchia, nhóm người Việt đã bị trục xuất vì lý do ở quá hạn và tất cả đều được lấy mẫu xét nghiệm và đều không bị nhiễm Covid-19.

Trong số này, có 88 người bị trục xuất qua Trạm kiểm soát Biên giới Quốc tế Bavet ở tỉnh Svay Rieng trước sự hiện diện của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, 18 người khác bị trục xuất qua Trạm Kiểm soát Biên giới Quốc tế Prek Chak ở Kampot, Khmer Times đưa tin.

Theo Tổng cục Di trú Campuchia, trong 5 tháng đầu năm 2021, nước này đã trục xuất 284 người nước ngoài thuộc 22 quốc tịch vì nhiều tội danh khác nhau.

Campuchia tăng cường và thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới sau khi nước này đối diện với đợt dịch lớn bùng phát ở nhiều tỉnh thành hồi tháng 4. Phát ngôn viên của Tổng cục Di trú, Tướng Keo Vanthan, nói với Khmer Times rằng giới hữu trách Campuchia có chính sách bắt và đuổi ngay những người nhập cư bất hợp pháp để tránh đưa COVID-19 vào nước này.

Một điều phối viên của Liên đoàn thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền Campuchia (Licadho) nói với hãng tin Campuchia rằng khi người nhập cảnh vào Campuchia mà không có giấy tờ sẽ bị xem là là một hành vi phạm tội.

“Nếu họ làm theo luật, họ phải bị giam giữ và phải ra tòa ở Campuchia trước khi bị trục xuất. Nếu có liên quan đến vấn đề nhân quyền thì đây bị xem là hành vi vi phạm pháp luật”, Khmer Times dẫn lời điều phối viên của Licadho nói.

Kể từ năm 2014 đến nay, Campuchia đã trục xuất tổng cộng 18.470 người nước ngoài thuộc 104 quốc tịch.

COVAX được cam kết hỗ trợ tiền mặt từ các nước giàu

Một hội nghị thượng đỉnh gây quỹ hôm qua đã kêu gọi được các nước giàu cam kết 2,4 tỷ đô la cho COVAX, một chương trình đối tác mua vắc-xin covid-19 cho các nước nghèo. Chỉ cần họ giữ lời, COVAX sẽ đạt được mục tiêu phân phối 1,8 tỷ liều trong năm nay. Nó cũng sẽ đảm bảo phân phối vắc-xin đồng đều hơn trên toàn cầu. Cho đến nay, COVAX chuyển được 77 triệu liều đến 127 quốc gia. Nhưng chỉ riêng nước Mỹ đã tiêm gấp 4 lần con số đó.

Với số tiền mới, COVAX ước tính có thể tiếp cận 30% người dân ở các nước nghèo mà họ sẽ cung cấp thuốc vào đầu năm 2022. Bởi vì thuốc đó chưa có sẵn, nên sẽ tốt hơn trong ngắn hạn nếu các nước giàu đóng góp vắc-xin hiện có. Mặc dù vẫn chưa nhận hết, nhưng những nước này đã đặt đủ số thuốc để thậm chí tiêm dư cho dân chúng. Tại hội nghị hôm qua, khoảng 54 triệu liều như vậy đã được cam kết, nâng tổng số quyên góp đã hứa lên hơn 132 triệu mũi tiêm. Đó là một bước đi đúng hướng trong bối cảnh bi kịch covid-19 trên toàn thế giới.

Bầu cử tổng thống Iran chưa tiến hành đã ngã ngũ

Mùa vận động tranh cử tổng thống Iran thường rất gay cấn. Các ứng viên thường tranh cãi nhau về ý thức hệ. Nhưng năm nay thì không. Hội đồng Giám hộ, cơ quan có nhiệm vụ xét duyệt các ứng viên thay mặt cho Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei, đã loại bỏ tất cả trừ một ứng viên chính, Ebraham Raisi. Ông Raisi là chánh án của đất nước và là con rể của Ahmad Alamolhoda, một giáo sĩ nhiều tiếng xấu. Để có đủ phiếu vào ngày 18 tháng 6 tới, ông Alamolhoda đã gọi những người bỏ phiếu trắng là bọn vô đạo. Song hầu hết cử tri đã mất niềm tin vào hệ thống, vì lý do chính đáng. Ngay cả những người ở trung tâm của nó cũng biết nó đã rệu rã và tham nhũng đến mức nào.

Chiến dịch năm nay khởi đầu khá mờ nhạt. Tỷ lệ cử tri đi bầu được dự đoán thấp nhất trong 42 năm của nền Cộng hòa Hồi giáo. Song điều này dường như không làm ông Khamenei lo lắng. Ông đang chuẩn bị cho ông Raisi làm người kế nhiệm và có vẻ không quan tâm đến quy mô quyền lực của Raisi. Suốt nhiều thập niên qua, Iran tự tuyên bố là nền dân chủ thứ hai ở Trung Đông. Có vẻ như không còn vậy nữa.

Thổ Nhĩ Kỳ giảm lãi suất dù lạm phát tăng

Dữ liệu do cơ quan thống kê Thổ Nhĩ Kỳ công bố hôm nay sẽ cho thấy tỷ lệ lạm phát của nước này tăng trong tháng thứ 8 liên tiếp. Hồi tháng 4 nó đạt 17.1%, cao nhất trong gần hai năm. Vì vậy thật vô lý nếu hạ lãi suất vào lúc này. Nhưng Kavcioglu, thống đốc ngân hàng trung ương thứ tư của Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng hai năm qua, có thể sẽ phải làm vậy.

Hôm thứ Ba, Recep Tayyip Erdogan, vị tổng thống độc đoán nhưng thiếu hiểu biết kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, nói ngân hàng “bắt buộc” phải giảm lãi suất, và ông đã nói tương tự với ông Kavcioglu. Đồng lira phản ứng bằng cách xuống thấp kỷ lục so với đồng đô la. Ali Babacan, một cựu bộ trưởng kinh tế hiện đứng đầu một đảng đối lập nhỏ, đã nói đùa rằng sau khi sa thải nhiều thống đốc ngân hàng trung ương, ông Erdogan có lẽ nên tự mình đảm nhận công việc này. Nếu vậy thì sẽ không còn vụ sa thải nào nữa.

Mỹ sẽ rút quân trước thời hạn khỏi Afghanistan

Một tháng sau khi cuộc rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan bước vào giai đoạn cuối, tiến độ đang được đẩy nhanh. Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố quân đội sẽ rút hết vào tháng 9. Nhưng có vẻ như họ sẽ rút sớm từ tháng 7. Các tướng lĩnh cho rằng tiến độ đã gần hoàn thành được một nửa.

Ông Biden không có tâm trạng để loanh quanh. Càng rút quân sớm, càng giảm khả năng thương vong của người Mỹ trong quá trình rút quân. Căn cứ không quân Kandahar đã được bàn giao cho chính phủ Afghanistan, và tiếp theo là căn cứ không quân Bagram gần Kabul. Các quốc gia NATO khác cũng đang chạy đua làm theo Mỹ.

Cuộc rút quân đã làm gián đoạn đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và Taliban. Nhóm chiến binh đã bao vây và đánh chiếm các tiền đồn của quân đội chính phủ ở nông thôn, còn quân đội chính phủ đang nỗ lực giành lại chúng. Mọi con mắt đang đổ dồn vào để xem lực lượng Afghanistan sẽ tự xoay sở thế nào. Với việc Taliban vẫn còn mạnh suốt từ năm 2001, nước này có thể lại chìm vào hỗn loạn.

Việt Nam, Nhật Bản gia tăng hợp tác quân y để chống đại dịch COVID-19

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang họp trực tuyến với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo vào ngày 3/6/2021.

Hai Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Nhật Bản vừa đồng ý gia tăng hợp tác quân y để chống lại đại dịch COVID-19 giữa lúc cả hai nước đều đang đối phó với đợt dịch mới có nguy cơ bùng phát mạnh.

Cam kết giữa hai bên diễn ra trong cuộc họp trực tuyến giữa Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo vào ngày 3/6, trang tin của quân đội Việt Nam cho biết.

Tại cuộc họp, hai bên đã trao đổi với nhau về công tác phòng chống dịch COVID-19 của mỗi nước, việc tổ chức hội nghị trực tuyến để trao đổi chuyên môn và chia sẻ kinh nghiệm chống dịch giữa các chuyên gia quân y của hai nước.

Hai Bộ trưởng cũng đồng ý sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác quân y để phòng chống COVID-19 và các dịch bệnh khác trong tương lai.

Trước đó, vào tháng 3, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide trong cuộc điện đàm với Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã cam kết giúp đỡ Việt Nam trong việc tiêm chủng phòng ngừa COVID-19 cho người dân bằng cách hỗ trợ dây chuyền giữ lạnh để bảo quản vắc-xin.

Việt Nam và Nhật Bản gần đây có nhiều hoạt động tăng cường hợp tác quốc phòng giữa bối cảnh cả hai đều đang đối diện với các hành động quyết đoán của Trung Quốc trên các khu vực biển tranh chấp là Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Tại cuộc họp ngày 3/6, hai Bộ trưởng Quốc phòng cũng đồng ý sẽ sớm ký kết thỏa thuận chuyển giao trang bị và công nghệ nâng cao năng lực quốc phòng giữa hai chính phủ Việt Nam và chính phủ Nhật Bản và triển khai các nội dung hợp tác quốc phòng song phương và đa phương ngay sau khi dịch COVID-19 được khống chế, bao gồm duy trì các cơ chế đối thoại; tham vấn sĩ quan tham mưu của hải quân, lục quân và không quân; tổ chức giao lưu các lực lượng hải quân, không quân, cảnh sát biển và các hoạt động hợp tác khác.

Đài Loan không kiểm soát được dịch bệnh, chiến thuật “Zéro Covid” hết hiệu quả

Người dân Đài Bắc được hướng dẫn xét nghiệm nhanh Covid-19, ngày 18/05/2021. Tình trạng báo động cấp độ 3 được áp dụng ở Đài Bắc, Đài Loan, sau khi dịch trở lại. AP – Chiang Ying-ying

Đài Loan, hòn đảo với 24 triệu dân, trong suốt 1 năm rưỡi qua hầu như luôn kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 nhờ biện pháp kiểm tra, cách ly triệt để những người nhập cảnh. Tuy nhiên, chiến thuật « Zéro Covid » dường như không còn phát huy hiệu quả. Từ giữa tháng 05/2021 đến nay, Đài Loan đã phát hiện nhiều ổ lây nhiễm virus corona. Ngày 03/06/2021, chính quyền thông báo số ca mắc Covid-19 trong nước là 583 ca.

Từ Đài Bắc, thông tín viên Adrien Simorre tường trình :

« Loa phóng thanh liên tục phát các thông báo về việc hạn chế số người đến các khu chợ bán rau và trái cây, quán đồ giải khát cũng như về việc đóng cửa trường học. Những cảnh không tưởng cách nay vài tuần đã trở thành đời sống thường nhật của người dân Đài Loan.

Ông Chan Chang-Chuan, giáo sư Khoa Y tế Cộng đồng, Đại học Quốc gia của Đài Loan cho biết : « Đài Loan đã từng rất thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh nhờ vào các đợt kiểm tra cách ly ở cửa khẩu. Nhưng các quy định đang được áp dụng hiện nay là những quy định chỉ phù hợp với chủng virus ban đầu chứ không phù hợp với biến thể Anh Quốc, vốn dễ lây lan hơn rất nhiều. Các biện pháp của chúng tôi đã không tính đến những sự thay đổi nói trên ».

Hồi giữa tháng 05, một ổ lây nhiễm đã được phát hiện ở khu phố đông người qua lại Vạn Hoa (Wanhua) ở trung tâm Đài Bắc. Nguồn gốc các ca lây nhiễm là từ những phi công của hãng hàng không quốc gia, vì biện pháp cách ly đã được rút ngắn đối với các phi công này. Từ khi đó, Đài Loan ghi nhận 300-500 ca mỗi ngày. Con số này hầu như không giảm bất chấp các biện pháp của chính phủ.

Giáo sư Chan nói thêm : « Đa phần người Đài Loan vẫn chưa được tiêm ngừa virus corona, vì thế sẽ còn phải mất nhiều tháng nữa mới có thể không còn các ca lây nhiễm. Chúng tôi cần vac-xin, rất nhiều vac-xin ».

Hiện giờ Đài Loan đang thiếu nghiêm trọng vac-xin ngừa Covid-19, nhà chức trách mới chỉ nhận được 900.000 liều trong số 20 triệu liều vac-xin đặt mua. Chính phủ Đài Loan nay tính tới vac-xin sản xuất nội địa. Thế nhưng, phải chờ đến tháng 07 thì mới có loại vac-xin này ».

Việt Nam: Gần 5.000 ca Covid trong đợt dịch mới, 120 triệu liều vac-xin sẽ được nhập

Một điểm tiêm chủng ở Bệnh viện các bệnh nhiệt đới Hải Dương, Việ Nam, ngày 08/03/2021. REUTERS – THANH HUE

Truyền thông trong nước cho biết đến trưa nay 03/06/2021, Việt Nam có thêm 205 ca mới nhiễm virus corona, trong đó đa số tại Bắc Giang. Theo dự kiến của bộ Y Tế, đến cuối năm nay, số vac-xin nhập về Việt Nam đủ để tiêm chủng 70% dân số.

Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay có 2 chuyên gia Trung Quốc và 1 chuyên gia Nga nhập cảnh xét nghiệm dương tính đã được đưa đi cách ly. Thành phố đã mở rộng hai khu cách ly có sức chứa 6.000 người, và chuẩn bị thêm các khu vực của quân đội, ký túc xá sinh viên để đối phó tình huống dịch Covid lan rộng. Hiện nay đã có 8 cơ sở y tế dừng hoạt động vì liên quan đến các trường hợp Covid, trong đó có 2 bệnh viện bị phong tỏa.

Để phòng ngừa dịch lan tràn trong các khu công nghiệp như ở Bắc Giang, đêm qua cho đến rạng sáng nay, đã lấy mẫu xét nghiệm của 30.000 công nhân khu chế xuất Tân Thuận. Trước đó, 25.000 công nhân khu công nghệ cao cũng đã được lấy mẫu. Tính trên cả nước, từ 27/04 đến nay đã lấy gần 1,5 triệu mẫu thử Covid.

Tính đến nay, Việt Nam có 6.525 ca dương tính trong nước và 1.538 ca từ nước ngoài nhập cảnh. Số lượng ca nhiễm mới kể từ đợt dịch vừa bùng lên ngày 27/04 là 4.955 ca. Đến nay đã có 49 bệnh nhân thiệt mạng vì Covid tại Việt Nam, đáng chú ý là gần đây có vài trường hợp người trẻ không có bệnh nền bị tử vong.

Theo báo cáo của bộ Y Tế, Việt Nam sẽ nhận được 120 triệu liều vac-xin chống Covid từ nay đến cuối năm 2021. Trong đó có 38,9 triệu liều được Covax tài trợ, 31 triệu liều Pfizer/NBiotech, 30 triệu liều AstraZeneca, 20 triệu liều Sputnik V và 5 triệu liều Moderna.

Được biết Nga đã đồng ý chuyển giao công nghệ để sản xuất Sputnik V tại Việt Nam với công suất 5 triệu liều một tháng. Trước mắt, Việt Nam chỉ gia công đóng gói bán thành phẩm từ Nga chuyển sang kể từ tháng Bảy.

Mỹ: Thượng Nghị sĩ Rick Scott giới thiệu luật cấm đòi hỏi ‘hộ chiếu vắc xin’

Rick Scott, Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hoà bang Florida (Ảnh chụp màn hình youtube).

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rick Scott, tiểu bang Florida hôm 2/6, đã giới thiệu một dự luật cấm yêu cầu xuất trình “hộ chiếu vaccine” đối với công dân Hoa Kỳ, theo The Hill.

Đạo luật có tên “Đạo luật Tự do Đi máy bay” bao gồm điều khoản cấm Cơ quan Quản lý An ninh Vận tải thực hiện các chính sách cho phép nhân viên đòi hỏi thông tin liên quan đến việc tiêm phòng COVID-19, từ bất kỳ hành khách nào đi lại trong lãnh thổ Hoa Kỳ.

Ông Scott cho biết trong một tuyên bố rằng đi lại là “rất quan trọng để đưa nền kinh tế của chúng ta mở cửa trở lại hoàn toàn” khi đất nước muốn phục hồi sau đại dịch.

Thượng nghị sĩ Scott nói: “Đạo luật Tự do Đi máy bay của tôi bảo đảm các gia đình ở Florida và trên khắp đất nước có thể đi lại tự do, và không bị bộ máy chính quyền ngăn cản vô lý bằng yêu cầu phải có hộ chiếu vaccine”.

Động thái của Nghị sĩ Scott diễn ra trong bối cảnh người Mỹ đang tranh luận sôi nổi xung quanh hộ chiếu vaccine.

Đảng Cộng hòa đã lập luận rằng việc yêu cầu hộ chiếu vaccine ảnh hưởng đến lựa chọn cá nhân trong việc chủng ngừa virus corona.

Tòa Bạch Ốc đã nhiều lần tuyên bố rằng không có kế hoạch cấp hộ chiếu vaccine liên bang.

Vào đầu tháng Tư, Thống đốc tiểu bang Florida Ron DeSantis đã trở thành thống đốc đầu tiên ký lệnh hành pháp cấm đòi hỏi hộ chiếu vaccine.

Print Friendly, PDF & Email

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Name

Time limit is exhausted. Please reload the CAPTCHA.