Võ Thái Hà tổng hợp
Mỹ khẳng định cam kết bảo vệ Philippines, Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ
Anh Vũ /RFI
19/3/2024
Trong chuyến thăm Philippines, ngày hôm nay 19/03/2024, ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, đã khẳng định Washington cam kết chắc chắn bảo vệ Philippines trong trường hợp xảy ra xung đột trên Biển Đông. Ngay lập tức, Trung Quốc tuyên bố Hoa Kỳ không có bất kỳ lý do chính đáng nào can dự vào vấn đề Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (T) trước cuộc hợp với tổng thống Ferdinand Marcos Jr., tại Điện Malacanang, Manila, Philippines, ngày 19/03/2024. AP – Evelyn Hockstein
Họp báo chung tại Manila với đồng nhiệm Philippines, Enrique Manalo, lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ, được AFP trích dẫn, đã nhắc lại quyết tâm của Hoa Kỳ bảo vệ đồng minh trước mọi cuộc tấn công có thể xảy ra trên Biển Đông. Ông Antony Blinken tuyên bố: “Đây là những tuyến đường hàng hải trọng yếu đối với an ninh và kinh tế của Philippines, nhưng đồng thời cũng là trọng yếu đối lợi ích của khu vực, của Hoa Kỳ và cả thế giới (…) Chính vì thế mà chúng tôi luôn ở bên cạnh Philippines và chúng tôi cam kết vững chắc bảo vệ Philippines, nước có hiệp ước phòng thủ chung”.
Ngoại trưởng Enrique Manalo cho biết đã trao đổi với đồng nhiệm Mỹ về việc đầu tư mạnh mẽ cho tuần duyên của Philippines.
Cuộc gặp lần này của ngoại trưởng hai nước cũng là để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh ba bên Mỹ-Philippines và Nhật Bản tại Washington, dự kiến vào ngày 11/04/2024.
Ông Antony Blinken tới Manila sau chuyến thăm Hàn Quốc hôm Chủ Nhật (17/03), trong cùng một mục đích củng cố quan hệ với các đồng minh châu Á đối phó với những tham vọng của Trung Quốc. Một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ đi cùng cho biết : “Chúng tôi muốn chứng minh cam kết của chúng tôi đối với vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, bất kể những gì đang xảy ra ở các nơi khác trên thế giới vào lúc này”.
Ngay sau tuyên bố của lãnh đạo ngoại giao Mỹ tại Manila, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Lâm Kiếm (Lin Jiang), đã khẳng định với báo chí : “ Hoa Kỳ không thuộc khu vực Biển Đông, vì thế không có quyền can thiệp vào trong các bất đồng giữa Trung Quốc và Philippines”.
Về thỏa thuận quân sự của Phippines, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc khẳng định “hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Philippines không được xâm phạm chủ quyền và các lợi ích biển của Trung Quốc tại Biển Đông và càng không được sử dụng làm nền tảng cho những đòi hỏi bất hợp pháp của Philippines”.
EU nhất trí trừng phạt cả Hamas lẫn những người Israel hung hãn ở Bờ Tây
19/03/2024 – Reuters
Ông Joseph Borrell, chuyên trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU (trái) và Ngoại trưởng Ukraine, 13/5/2022 (ảnh tư liệu, Kay Nietfeld/DPA thông qua AP, Pool)
Hôm thứ Hai 18/3, các ngoại trưởng thuộc Liên hiệp châu Âu đồng ý về nguyên tắc sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người định cư Israel vì đã tấn công người Palestine ở Bờ Tây và bổ sung các biện pháp trừng phạt đối với các thành viên của nhóm Hồi giáo Palestine Hamas.
Quyết định này đánh dấu lần đầu tiên 27 nước thành viên EU làm giống như Mỹ và Anh, nhất trí trừng phạt những người định cư Israel hay hành xử bạo lực.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nói với các phóng viên sau khi các bộ trưởng họp ở Brussels: “Một thỏa hiệp cụ thể đã được thống nhất ở cấp độ những người làm việc và tôi hy vọng rằng điều này sẽ được tiếp tục cho đến khi sớm được thông qua hoàn toàn, nhưng các bên đã nhất trí về mặt chính trị”.
Trong khi quốc tế chủ yếu tập trung sự chú ý vào cuộc tấn công xuyên biên giới của Hamas từ Gaza và cuộc chiến tiếp theo sau của Israel, các quan chức châu Âu cũng bày tỏ lo ngại ngày càng nhiều về tình trạng bạo lực gia tăng đối với người Palestine ở Bờ Tây.
EU đã tạo ra một chế độ trừng phạt cụ thể nhằm vào Hamas sau cuộc tấn công của nhóm này vào Israel hôm 7/10.
Các nhà ngoại giao cho biết cơ chế này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Hamas trước khi trừng phạt những người định cư Israel.
Trình tự đó rất quan trọng đối với các thành viên EU thân với Israel, như Đức, Áo và Cộng hòa Séc, những nước muốn thể hiện rõ rằng họ không đánh đồng hai nhóm đó với nhau.
Các nhà ngoại giao cho hay Hungary đã phản đối mạnh mẽ nhất về các biện pháp trừng phạt nhằm vào những người định cư bạo lực, nhưng gần đây họ đã thay đổi lập trường.
Ông Borrell nói rằng các quốc gia trước đây từng ngăn chặn đề xuất này giờ đã quyết định bỏ phiếu trắng và danh sách những người sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt hiện chỉ cần thông qua về mặt thủ tục. Họ phải đối mặt với lệnh cấm đi lại và bị phong tỏa tài sản.
Những tranh cãi về các biện pháp trừng phạt được đề xuất cho thấy có sự chia rẽ về Trung Đông khi mà một số nước EU ủng hộ mạnh mẽ Israel trong khi những nước khác nghiêng về người Palestine nhiều hơn.
Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo trong lúc ông Blinken đến Seoul
18/03/2024 – Reuters
Một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên (Hình ảnh chỉ mang tính minh họa)
Lần đầu tiên sau hai tháng, Triều Tiên đã bắn tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển hôm 18/3, trong lúc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Seoul để tham dự hội nghị về thúc đẩy dân chủ do Tổng thống Yoon Suk Yeol chủ trì.
Quân đội Hàn Quốc cho biết một số tên lửa tầm ngắn đã bay khoảng 300 km sau khi được bắn ra trong khoảng từ 7:44 đến 8:22 sáng từ Bình Nhưỡng, thủ đô của Triều Tiên và rơi xuống ngoài khơi bờ biển phía đông.
Họ lên án hành động này là ‘sự khiêu khích rõ ràng’ và cho biết họ đang chia sẻ thông tin với Mỹ và Nhật.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên án các vụ phóng này, nói rằng chúng vi phạm một số nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như gây ra mối đe dọa cho khu vực.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết 3 tên lửa đã được phóng và di chuyển khoảng 350 km, với độ cao tối đa 50 km.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã lên án vụ phóng sau khi lực lượng tuần duyên nước này báo cáo về một vụ phóng mà họ nói dường như là một tên lửa đạn đạo và xác định rằng nó đã được phóng xong.
“Một loạt hành động của Triều Tiên đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực chúng tôi và cộng đồng quốc tế, và hoàn toàn không thể chấp nhận được,” ông Kishida nói và gọi vụ phóng là vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cho biết Triều Tiên đã thử nghiệm một loại tên lửa tầm ngắn mới trong những tuần gần đây và Seoul cùng Washington đang theo dõi xem liệu những vũ khí đó có được gửi đến Nga hay không.
“Không rõ liệu các tên lửa này là để tăng cường cho tiền tuyến hay là để xuất khẩu sang Nga,” ông phát biểu tại cuộc họp báo. “Nhưng có khả năng lớn là họ đang kiểm tra hiệu suất lần cuối trước khi xuất khẩu sang Nga.”
Ông Shin cho biết Triều Tiên đã chuyển ít nhất 7.000 container chủ yếu là đạn dược cho Nga kể từ tháng 7 để hỗ trợ cuộc chiến của Nga với Ukraine. Hồi cuối tháng Hai, ông đưa ra con số là khoảng 6.700 container.
Đổi lại, Triều Tiên nhận được nhiên liệu và thực phẩm, và nhờ vậy tình trạng thiếu thốn và những khó khăn kinh tế khác dường như đã tạm thời lắng dịu kể từ cuối năm ngoái, ông Shin nói thêm.
Quân đội Triều Tiên đã tiến hành các cuộc tập trận sử dụng vũ khí quy ước trong những tuần gần đây và chúng thường được đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong Un giám sát.
Bình Nhưỡng phô trương sức mạnh ngay sau khi quân đội Hàn Quốc và Hoa Kỳ kết thúc 10 ngày tập trận chung quy mô lớn hàng năm hồi tuần trước.
Anh: Vũ khí laser chỉ mất 13 USD cho mỗi lần bắn, “có thể thay đổi cuộc chơi”
Vương Quân, Vision Times – 19/3/2024
Hình ảnh cuộc thử nghiệm vũ khí laser thể rắn của tàu vận tải đổ bộ của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ USS Portland (LPD 27) ngày 16/5/2020. (Nguồn ảnh: Hải quân Mỹ)
Quân đội Anh mới đây đã trình diễn một loại vũ khí laser mới có thể bắn tên lửa sát thương hoặc phòng không với chi phí chỉ 13 USD/lần bắn, tiết kiệm hàng chục triệu USD so với các tên lửa đánh chặn hiện tại thực hiện nhiệm vụ này.
Hôm 11/3, Bộ Quốc phòng Anh đã công bố một video thử nghiệm hệ thống Vũ khí năng lượng định hướng bằng laser (LDEW) “DragonFire” trên mạng xã hội X. Video này được ghi lại trong một sự kiện trình diễn mô phỏng được tổ chức tại Scotland vào tháng Một năm nay. Vũ khí mới này sử dụng thành công tia laser để tấn công mục tiêu trên không.
Đoạn video nêu rõ: “Đây là một công cụ có thể thay đổi cuộc chơi tiềm năng đối với lực lượng phòng không”.
Video cho thấy một chùm tia laser sáng xuyên qua bầu trời đêm tại một trường bắn xa xôi ở quần đảo Hebrides, nó tạo ra một quả cầu ánh sáng khi bắn trúng mục tiêu.
Bộ Quốc phòng Anh chỉ ra rằng tên lửa “Dragonfire” có thể bắn trúng chính xác mục tiêu có kích thước bằng đồng xu “ở tầm xa”, nhưng Bộ này không cung cấp thông tin chi tiết.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một tuyên bố rằng chùm tia laser có thể cắt kim loại, nếu đầu đạn của tên lửa đối phương bị bắn trúng sẽ khiến cấu trúc tên lửa bị hỏng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hơn.
Theo báo cáo của website công nghệ “New Altas“, kể từ khi Anh phát triển “DragonFire” vào năm 2017, loại vũ khí 50.000 watt này đã là “bí mật” của quân đội Anh, nên thế giới bên ngoài chỉ biết rằng nó là một loại vũ khí laser trạng thái rắn, bao gồm các chùm sợi thủy tinh. Nó sử dụng hệ thống kết hợp chùm tia được thiết kế ở Anh để kết hợp nhiều chùm tia thành một chùm duy nhất. Tháp pháo của nó cũng có thể được trang bị các tia laser phụ trợ và camera quang điện để nhắm vào mục tiêu và điều chỉnh chùm tia laser.
Trong video của Bộ Quốc phòng Anh, “DragonFire” có thể làm tê liệt tàu và đánh chặn liên tiếp 2 máy bay không người lái. Theo những bức ảnh do Bộ này công bố, “DragonFire” còn có thể đốt cháy xuyên cả súng cối, cho thấy nó có thể cắt kim loại trong thời gian ngắn và có khả năng phá hủy lớp vỏ kim loại của tên lửa.
Theo thông tin, giá thành của “Vũ khí Laser DragonFire” cực kỳ thấp. Bộ Quốc phòng Anh đã ấn định giá bắn một chùm tia laser trong 10 giây vào khoảng 13 USD. Trong khi đó, tên lửa tầm trung Standard II được Hải quân Mỹ sử dụng cho mục đích phòng không có giá hơn 2 triệu USD cho mỗi lần phóng.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một tuyên bố vào tháng Một: “Nó có tiềm năng trở thành một giải pháp thay thế lâu dài, chi phí thấp cho các tên lửa hiện tại trong một số nhiệm vụ”.
Ngày 14/3 theo báo cáo trên trang CNN, giá thành của tên lửa phòng không đã trở thành chủ đề nóng trong cộng đồng quốc phòng những năm gần đây. Ngày nay, máy bay không người lái giá rẻ tràn lan trên chiến trường Ukraine, phiến quân Houthi phóng máy bay không người lái ở Biển Đỏ và Vịnh Aden để tấn công các tàu thương mại và quân sự, dẫn đến mất cân bằng trong việc tiêu hao tên lửa của châu Âu và Mỹ.
Một số nhà phân tích đặt câu hỏi Mỹ, Anh và các đối tác của họ có thể tiếp tục sử dụng tên lửa đắt tiền để chống lại máy bay không người lái vũ trang của Houthi trong bao lâu; trong một số trường hợp, giá của những máy bay không người lái này thấp hơn nhiều, ở mức dưới 100.000 USD.
Hệ thống phòng không đắt tiền của các đồng minh phương Tây rất quan trọng đối với khả năng tự vệ của Ukraine trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga.
Vào tháng Một năm nay, ông James Black, trợ lý giám đốc quốc phòng và an ninh tại Bộ Quốc phòng Mỹ, đã viết trong một bài đăng trên blog của tổ chức tư vấn RAND Europe: “Máy bay không người lái và tên lửa giá rẻ đã thay đổi tính toán về kinh tế tấn công và phòng thủ. Nó có lợi cho những ai sử dụng số lượng lớn máy bay không người lái và đạn dược giá rẻ để áp đảo các hệ thống phòng không và tên lửa phức tạp hơn.”
Ông Black cho biết DragonFire có thể giúp đảo ngược tình trạng đó.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapp cho biết sau cuộc thử nghiệm hệ thống “DragonFire” hồi tháng 1: “Những vũ khí tiên tiến như vậy có khả năng thay đổi hoàn toàn quy tắc của chiến trường bằng cách giảm sự phụ thuộc vào đạn dược đắt tiền”.
Tuy nhiên, ông Black và những người khác cũng cho rằng loại laser như “DragonFire” vẫn chưa được chứng minh trên chiến trường và còn những hạn chế.
Anh không phải là quốc gia đầu tiên phát triển vũ khí laser có thể bắn hạ mục tiêu trên không. Năm 2014 tại Vịnh Ba Tư, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm nguyên mẫu vũ khí laser trên tàu chiến USS Ponce. Hệ thống laser này có thể tấn công máy bay không người lái, máy bay nhỏ và tàu thuyền. Vào năm 2020 và 2021, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm hệ thống vũ khí laser tiên tiến hơn trên tàu đổ bộ USS Portland.
Năm 2022, hệ thống laser sẽ được lắp đặt trên tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Preble. Cùng năm đó, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm thành công hệ thống laser năng lượng cao chống lại các mục tiêu tên lửa hành trình. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ báo cáo về cuộc thử nghiệm này rằng họ vẫn chưa có kế hoạch đưa vũ khí này vào tay quân nhân tác chiến.
Các nhà lãnh đạo quốc phòng Anh chỉ ra rằng việc tích hợp vũ khí laser vào chiến trường hiện đại đã trở thành ưu tiên mới và không còn thời gian để lãng phí. Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một tuyên bố rằng dựa trên nghiên cứu này, Bộ gần đây đã công bố ý định tài trợ cho một chương trình trị giá hàng triệu bảng Anh để chuyển công nghệ này từ môi trường nghiên cứu sang chiến trường.
Hệ thống vũ khí “DragonFire” là kết quả của khoản đầu tư chung trị giá 100 triệu bảng Anh giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công nghiệp. Các công ty tham gia cũng hợp tác để hỗ trợ Vương quốc Anh phát triển việc làm có tay nghề cao trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến mới. Những công nghệ này hiện đang mang lại những thay đổi đáng kể về khả năng của Vương quốc Anh trong các hệ thống vũ khí năng lượng định hướng bằng laser.
Tuy nhiên, loại vũ khí laser này không phải là “thuốc chữa bách bệnh”, “DragonFire” vẫn chưa chính thức được đưa vào sử dụng trên chiến trường và vẫn còn nhiều hạn chế chưa được giải quyết. Một số chuyên gia cho rằng trên thực tế chiến trường, mưa, sương mù và khói sẽ làm tán tia và giảm hiệu quả; đồng thời, vũ khí laser cũng sẽ tỏa nhiều nhiệt nên cần có hệ thống làm mát lớn; vũ khí laser lắp trên tàu hoặc máy bay laser di động cũng yêu cầu sạc pin; về mặt lý thuyết laser, nó cần khóa chắc mục tiêu đang di chuyển trong tối đa 10 giây thì mới có thể gây ra thiệt hại.
Nhật Bản có thể sẽ tăng lãi suất
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể công bố đợt tăng lãi suất đầu tiên trong 17 năm khi cuộc họp chính sách mới nhất bế mạc vào thứ Ba. BoJ trong nhiều thập niên qua luôn nổi bật trong các ngân hàng trung ương trên thế giới về chính sách tiền tệ độc đáo của mình; hiện Nhật vẫn là quốc gia cuối cùng có lãi suất chính sách âm, -0,1%.
Nhưng thời đại đó có vẻ sắp kết thúc. Số liệu lạm phát chính của Nhật Bản đã vượt mục tiêu 2% của BoJ trong 22 tháng, song tốc độ tăng trưởng tiền lương bị tụt lại. Các nhà hoạch định chính sách đã trì hoãn việc tăng lãi suất cho đến khi họ có thể chắc chắn rằng giá cả và tiền lương sẽ di chuyển cùng nhau. Dữ liệu từ các cuộc đàm phán tiền lương hàng năm giữa công đoàn và các doanh nghiệp lớn cho thấy mức tăng kỷ lục đối với người lao động trong năm thứ hai liên tiếp. Nhưng ngay cả khi BoJ chấm dứt lãi suất âm và chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (một công cụ để kiểm soát lợi suất trái phiếu dài hạn), lập trường chung của BoJ có thể vẫn mang tính nới lỏng. Các nhà kinh tế kỳ vọng lãi suất sẽ tăng dần và lãi suất chính sách sẽ ổn định ở mức khoảng 0,5% hoặc thấp hơn.
Hội nghị của ngành dầu mỏ Mỹ
Các nhà lãnh đạo ngành năng lượng ở thủ đô dầu mỏ Houston của Mỹ đang thảo luận cách duy trì hoạt động trong một thế giới nhiều rủi ro. Các ông chủ dầu khí đang ở sự kiện CERAWeek của S&P Global sẽ trao đổi với các thượng nghị sĩ và nhà hoạch định chính sách. Họ sẽ thảo luận về việc cân bằng cung cầu khi thị trường năng lượng chuyển sang nhiên liệu sạch, ảnh hưởng của chi phí vay đối với đầu tư, cũng như các vấn đề địa chính trị.
Tuần trước Shell thông báo sẽ giảm tốc độ của tiến trình phi carbon hoá. Giống như những gã khổng lồ dầu mỏ khác, họ viện dẫn lợi nhuận thấp của việc đầu tư vào năng lượng tái tạo và môi trường lãi suất cao. Ngoài ra là sự mơ hồ về chính sách năng lượng Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Hồi tháng 1, chính quyền Biden đã tạm dừng cấp phép mới cho các nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng, điều mà những người trong ngành coi như phương tiện để củng cố nguồn cung khi thị trường chuyển sang năng lượng tái tạo. Trong khi đó, những người ủng hộ các giải pháp thay thế, như hydro và năng lượng hạt nhân, cũng đã đổ xô đến Mỹ để tận dụng tối đa các dòng điện này.
Jacob Zuma trở lại chính trường Nam Phi
Một phiên tòa ở Nam Phi vào thứ Ba có thể có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào ngày 29 tháng 5. Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền được kỳ vọng sẽ giành đủ số phiếu để thống trị một chính phủ liên minh với các đảng nhỏ hơn. Nhưng rồi một bom tấn chính trị xuất hiện. Vào tháng 12, Jacob Zuma, tổng thống Nam Phi từ năm 2009 đến năm 2018, đã công bố một đảng mới, được đặt theo tên của cánh vũ trang của ANC trong thời kỳ phân biệt chủng tộc, uMkhonto Wesizwe (MK).
Ông Zuma sẽ không thể trở thành tổng thống. Nhưng ông có thể giành đủ số phiếu để đẩy người kế nhiệm, Cyril Ramaphosa, vào thế khó. Nếu ANC chỉ nhận về khoảng 40% số phiếu, như các cuộc thăm dò cho thấy, họ có thể sẽ phải tham gia vào một liên minh không mấy dễ chịu với những người theo chủ nghĩa dân túy, chẳng hạn như Những người Đấu tranh vì Tự do Kinh tế cánh tả. Một giải pháp thay thế sẽ là một chính phủ đoàn kết dân tộc với Liên minh Dân chủ. ANC đã yêu cầu tòa án bầu cử cấm MK tham gia bầu cử vì lý do vi phạm quy tắc. Nếu họ thất bại, cuộc chơi sẽ bắt đầu.
Lạm phát hạ nhiệt ở Canada
Người dân Canada bắt đầu năm mới với sự nhẹ nhõm bất ngờ khi tỷ lệ lạm phát năm giảm từ 3,4% trong tháng 12 xuống còn 2,9% trong tháng 1. Con số này nằm trong phạm vi mục tiêu lạm phát của ngân hàng trung ương Canada là từ 1% đến 3%. Vào thứ Ba, số liệu mới của tháng 2 sẽ cho thấy liệu mức giảm đó có được duy trì hay không.
Các cuộc thăm dò cho thấy cử tri tỏ ra không hài lòng với Justin Trudeau, thủ tướng của Đảng Tự do, khi giá cả bắt đầu tăng vào năm 2021. Lạm phát hàng năm tăng từ 0,7% vào tháng 12 năm 2020 và đạt đỉnh 8,1% vào tháng 6 năm 2022. Pierre Poilievre, lãnh đạo phe đối lập, đã đổ lỗi cho chính sách kinh tế của chính phủ về cái mà ông gọi là “Lạm phát Justin.” Ông Trudeau hy vọng việc lạm phát thuyên giảm có thể thuyết phục ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất sau khi đã tăng 4,75 điểm phần trăm trong vòng chưa đầy 18 tháng. Điều đó có thể giúp giành lại một số người ủng hộ ông. Hiện tại, đảng Tự do của ông đang kém đảng Bảo thủ của ông Poilievre tới 18 điểm trong thời điểm chạy đà cho cuộc bầu cử vào năm tới.
Các công ty lớn của Hàn Quốc đang rời khỏi Trung Quốc
Liên Thành
Các công ty lớn của Hàn Quốc đang rời khỏi Trung Quốc. (Ảnh minh họa: sohu).
Theo Tạp chí Doanh nghiệp Hàn Quốc (Businesskorea), lợi nhuận tại thị trường Trung Quốc sụt giảm, chính phủ Mỹ kiềm chế Trung Quốc, ĐCSTQ thường xuyên đàn áp và trả đũa, điều này làm tăng rủi ro cho các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc. Các công ty này đang lần lượt rút khỏi Trung Quốc.
Theo báo cáo mới đây, dữ liệu từ Cơ quan Giám sát Tài chính Hàn Quốc cho thấy Công ty Hóa chất Lotte của Hàn Quốc chuyên bán xi măng và vật liệu tẩy rửa tại Trung Quốc gần đây đã quyết định bán toàn bộ cổ phần và cũng bán cổ phiếu của Lotte Chemical, một liên doanh với Trung Quốc.
Trung Quốc từng là một trong những nước nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm hóa dầu của Hàn Quốc. Trong vài năm trở lại đây, các công ty hóa dầu Hàn Quốc đã mở rộng nhà máy tại Trung Quốc. Tuy nhiên, với sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, nhu cầu về các sản phẩm hóa dầu đã giảm sút và các công ty Trung Quốc đã phải cắt giảm giá một cách liều lĩnh, điều này cũng khiến các công ty hóa dầu Hàn Quốc ở Trung Quốc bị suy giảm năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, ngành công nghiệp pin Hàn Quốc cũng đang tổ chức lại hoạt động tại Trung Quốc. LG Energy Solution cũng đã bán liên doanh Giang Tây VL Battery vào năm ngoái.
Samsung SDI cũng thanh lý các công ty sản xuất pin ở Vô Tích và Trường Xuân.
Một cuộc khảo sát năm ngoái của CEO Score, một tổ chức nghiên cứu dữ liệu doanh nghiệp Hàn Quốc, cho thấy kể từ năm 2016, các công ty Hàn Quốc đã bán hoặc thanh lý 46 công ty con của Trung Quốc. Trong số đó, ngành ô tô có sự rút lui lớn nhất, khi các công ty sản xuất ô tô Hàn Quốc rút khỏi Trung Quốc, các nhà cung cấp phụ tùng cũng theo chân.
Hyundai Motor từng có hơn 5 nhà máy ở Trung Quốc nhưng giờ chỉ còn lại 3 nhà máy. Tiếp theo đó, nhà cung cấp thép tấm ô tô Hyundai Steel cũng tái cơ cấu các nhà máy và công ty con tại Trung Quốc.
Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc ngày 15/3 công bố đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Trung Quốc giảm xuống còn 1,87 tỷ USD vào năm 2023, giảm 78,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lớn nhất trong hơn 30 năm, cho thấy mối quan hệ kinh tế giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đang suy yếu, trong đó có sự sụt giảm trong sản xuất là nghiêm trọng nhất.
Viện Ludwig: Tỷ lệ thất nghiệp thực sự của Hoa Kỳ là 23%
Chadwick Hagan
Thứ ba, 19/03/2024 – Vân Du biên dịch
Khách hàng của Home Depot đi ngang qua một tấm biển ‘Đang tuyển dụng’ ở San Rafael, California, hôm 08/03/2024. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)
Không lâu sau khi Tổng thống Joe Biden có bài diễn văn Thông điệp Liên bang, ứng cử viên tổng thống Robert F. Kennedy, Jr. đã công bố thông điệp liên bang của riêng mình, trong đó ông tuyên bố rằng nếu những người lao động chán nản được đưa vào các số liệu thất nghiệp hiện tại, thì tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ là 23%.
Theo hồ sơ, một người lao động chán nản là một cá nhân có khả năng làm việc và đáp ứng các tiêu chí tuyển dụng nhưng thất nghiệp và không nỗ lực tìm kiếm việc làm trong bốn tuần qua.
Tỷ lệ Thất nghiệp Thực sự (TRU) theo dõi số cá nhân ở Hoa Kỳ (từ 16 tuổi trở lên) thiếu việc làm toàn thời gian (được định nghĩa là làm việc 35 giờ trở lên mỗi tuần), có việc làm bán thời gian nhưng muốn có thêm giờ, hoặc không kiếm được mức lương đủ sống.
Nếu chúng ta nhìn vào tỷ lệ phần trăm lực lượng lao động Hoa Kỳ thất nghiệp một cách thiết thực, TRU, từ Viện Chia sẻ Sự thịnh vượng Kinh tế Ludwig, thì tỷ lệ thất nghiệp năm 2022 được tính toán ở mức 23.6%.
Tính đến tháng Ba năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Hoa Kỳ được liệt kê ở mức 3.9%. Ngày nay, TRU đang ở mức 23.3%, bao gồm gần ¼ lực lượng lao động Mỹ và cao gấp sáu lần so với con số được báo cáo thực tế.
Đây là một con số đáng kinh ngạc và nó phản ánh sức khỏe thực sự của nền kinh tế Mỹ. Mặc dù chúng ta đã tránh được một cuộc sụp đổ kinh tế thảm khốc, nhưng con số thất nghiệp cao này phản ánh những vấn đề nghiêm trọng mang tính hệ thống trong lực lượng lao động Mỹ.
Bên trong những con số thất nghiệp khủng khiếp này, những người không có bằng tốt nghiệp trung học có tỷ lệ thất nghiệp lên tới 79%. Những người có bằng tốt nghiệp trung học có tỷ lệ thất nghiệp là 57%. Những người có trình độ cử nhân là 37%, và những người có bằng cấp cao là 35%. Theo chủng tộc, tỷ lệ này là 50% đối với người Mỹ gốc Phi Châu, 52% đối với người Mỹ gốc Tây Ban Nha và 52% đối với người da trắng.
Ở một số khu vực đô thị, chẳng hạn như các thành phố Augusta ở Georgia và Las Vegas ở Nevada, TRU cao hơn 30%. Tại Colorado Springs ở Colorado, tỷ lệ này là 50%. Tại Springfield ở Massachusetts và Greensboro-High Point ở North Carolina, tỷ lệ này là 60%.
Các số liệu được sử dụng để tính toán tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ là không chính xác và bị thao túng. Tỷ lệ thất nghiệp 5% không có nghĩa là 95% dân số Mỹ còn lại thực sự có việc làm. Những người đã ngừng tìm kiếm việc làm thậm chí còn không được thừa nhận là thất nghiệp, còn những người làm việc bán thời gian thì lại được phân loại là có việc làm. Hơn nữa, số người thất nghiệp dài hạn và phần lớn dân số Hoa Kỳ thậm chí không được tính vào con số thất nghiệp chính thức.
Nhiều nhân viên được tuyển dụng là nhân viên chính phủ mới được tuyển dụng. Chính phủ liên bang làm điều này để củng cố con số thất nghiệp được báo cáo. Thật là điên rồ khi thuê nhân viên bán thời gian chỉ vì lợi ích duy nhất là tăng số lượng việc làm được báo cáo, đặc biệt nếu chính phủ đang thúc đẩy các sáng kiến đối với các nhân viên vừa mới thuê mà không được làm việc đầy đủ (một số nhân viên bán thời gian chỉ làm việc vài giờ một tuần).
Tại một phiên họp gần đây tại Hội nghị Quốc gia các Cơ quan Lập pháp Tiểu bang (NCSL), tập trung vào các vấn đề lực lượng lao động, một trong những diễn giả đã đề cập rằng, theo Phòng Thương mại Hoa Kỳ, có 9.8 triệu cơ hội việc làm nhưng chỉ có khoảng 5.9 triệu người tìm việc đáp ứng các nhu cầu đó, và rằng trong khi tỷ lệ thất nghiệp “được báo cáo” trên toàn quốc là 3.5% thì tỷ lệ tham gia lực lượng lao động toàn quốc đã giảm từ 66.8% xuống 61.7% trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2021.
Tuyên bố trên cho thấy sự khác biệt đáng kinh ngạc giữa sự thật và số liệu được báo cáo. Mặc dù số liệu thống kê thường xuyên bị thao túng để truyền tải nhiều câu chuyện khác nhau, nhưng lý tưởng nhất là việc đánh giá tình trạng thất nghiệp của quốc gia chúng ta phải đơn giản. Đưa ra những con số thất nghiệp không có thật không khác gì tuyên truyền, đặc biệt là trong một năm bầu cử liên tục diễn ra. Việc phụ thuộc vào một thước đo thiếu sót để đánh giá tình trạng “khỏe mạnh” của nền kinh tế là sai lầm. Trong trường hợp tốt nhất, đây là một chỉ số kinh tế yếu kém và ít liên quan đến sức khỏe thực sự của nền kinh tế.
Thạch Đạt Lang: TikTok – ổ gián điệp Trung Quốc ở Mỹ?
19/3/2024
AVIC Plaza, một trong những tòa nhà văn phòng của ByteDance Ltd, công ty mẹ của TikTok Ltd, tại Bắc Kinh.
TikTok – ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc, cho phép người dùng phổ biến rộng rãi những video clip dài từ 3 giây đến 10 phút – là ứng dụng video được sử dụng nhiều nhất thế giới với hơn 2 tỷ người dùng, khoảng 170 triệu người cài đặt ở Mỹ. TikTok đã chính thức bị Hạ viện Mỹ – thông qua một dự luật – cấm sử dụng trong toàn quốc, trên tất cả các thiết bị điện tử computer, laptop, smartphone…vì có nguy cơ tiềm ẩn là đang thực hiện nhiệm vụ gián điệp cho chính quyền Trung Quốc.
Vào ngày thứ năm tuần trước, 07.03.2024 Hạ viện Mỹ đệ trình một đạo luật nêu rõ nguy cơ chưa thể giải quyết được là những dữ liệu cá nhân của người dùng TikTok có thể đã được chuyển về Bắc Kinh cho chính quyền Trung Quốc.
Biện pháp – được Ủy Ban Thương Mại và Năng Lượng của Hạ viện thông qua dễ dàng với đa số tuyệt đối – cấm cài đặt TikTok từ các cửa hàng ứng dụng (Apple Store, Google Play) nếu TikTok không nhanh chóng tách khỏi công ty mẹ (Holding Company) ByteDance có liên quan với chính quyền Trung Quốc. Nếu được Thượng viện thông qua, Tổng Thống Biden chuẩn thuận, ứng dụng này sẽ không còn xuất hiện trên Google Play, Apple Store. Dự luật này cũng có hiệu lực tương tự với các ứng dụng khác của các công ty đối nghịch nước ngoài.
Vấn đề được đặt ra, từ bao giờ Mỹ nhận ra nguy cơ tiềm ẩn dữ liệu cá nhân người dùng ở Mỹ (có thể) được chuyển cho chính phủ Trung Quốc? TikTok ra đời từ tháng 10 năm 2000 và trong năm 2023, sở cảnh sát liên bang FBI đã lên tiếng báo động cho người dùng về nguy cơ thông tin cá nhận của họ có thể bị tiết lộ khi sử dụng TikTok.
Trong thời gian chờ đợi Thượng viện biểu quyết, sau đó Tổng Thống Biden ký thành đạo luật, chính phủ Mỹ có thể dùng biện pháp nào để ngăn chận, đối phó nếu nguy cơ dữ liệu cá nhân của các viên chức chính quyền Mỹ – đặc biệt là những người làm việc trong cơ quan tình báo CIA hoặc FBI…- đã bị Trung Quốc thu thập?
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc chứng kiến sự bất an của chính phủ Mỹ về những nguy cơ thông tin cá nhân bị tiết lộ qua ứng dụng TikTok. Năm 2020, cựu Tổng Thống Donald Trump đã tìm cách gây áp lực buộc chủ sở hữu TikTok phải bán ứng dụng này cho người Mỹ nhưng thất bại. Bắc Kinh đã dùng luật hạn chế xuất khẩu công nghệ để ngăn chận việc chuyển giao sở hữu cho người Mỹ (1).
Năm 2023, chính quyền Motana cũng đã ban hành một đạo luật nhằm ngăn chận việc cài đặt TikTok trong tiểu bang nhưng bị một Chánh án Liên bang vô hiệu hóa trước khi đạo luật được thi hành. Tuần trước, vấn đề đã được hâm nóng trở lại khi Hạ viện biểu quyết với tỉ lệ 352 phiếu thuận, 65 phiếu chống – buộc ByteDance – chuyển giao quyền sở hữu cho người Mỹ hoặc bị cấm vĩnh viễn.
Dự luật dù bị Trung Quốc phản đối, tuy nhiên không quá ồn ào hoặc gây căng thẳng hay có những lời hăm dọa sẽ trả đũa đối với các công ty Mỹ. Thay vào đó, giới chức lãnh đạo Trung Quốc chỉ lên án chung chung là Mỹ không đối xử công bằng với các công ty Trung Quốc.
Theo các chuyên gia quốc tế, có một số lý do khiến Trung Quốc phản ứng chừng mực. Mặc dù dự luật nhận được sự ủng hộ tối đa của lưỡng đảng ở Hạ viện, không chắc nó sẽ được Thượng viện thông qua. Ông Donald Trump – ứng viên Tổng Thống dự kiến của đảng Cộng Hòa – cho biết sẽ chống lại dự luật dù trong năm 2020, chính ông đã ký lệnh gây áp lực TikTok chuyển giao ứng dụng lại cho người Mỹ. Hơn thế nữa, chính phủ Trung Quốc cũng có đầy đủ vũ khí để ngăn chận bất kỳ một cuộc mua bán hay chuyển giao quyền sở hữu nào.
Trái ngược với Donald Trump, Tổng thống Joe Biden tuyên bố ủng hộ dự luật, nếu được quốc hội thông qua, ông không có lý do gì để từ chối không ký.
Cuộc chiến thu thập dữ liệu về thói quen tiêu dùng, sở thích cá nhân, tài khoản, chương mục ngân hàng, tình trạng sức khỏe…của các tổ hợp, đại công ty, ngân hàng đang diễn ra hàng ngày. Đó là nguyên nhân, bên cạnh TikTok, Trung Quốc vừa mở thêm một mặt trận nhằm thu thập dữ liệu cá nhân của người dân các nước Âu Mỹ qua một chiến thuật mới. Đó là bán hàng online như Amazon ở thị trường với thương hiệu TEMU.
Khoan nói tới những sản phẩm được TEMU chào hàng, quảng cáo qua video có chất lượng ra sao, chỉ riêng hình thức quảng cáo qua smartphone với giá bán rẻ không thể tưởng tượng, cùng với việc không tính phí gửi hàng đủ khiến một người bình thường phải đặt câu hỏi “Làm cách nào để có thể kinh doanh như vậy?” Giới chức an ninh của Đức đã lên tiếng báo động về dịch vụ kinh doanh của TEMU rằng “mục đích của TEMU không phải là lợi nhuận mà là dữ liệu cá nhân của khách hàng”.
Không biết tình báo CIA, sở cảnh sát liên bang FBI của Mỹ đã tìm hiểu, thâu thập được tin tức, đường hướng, phương thức hoạt động ra sao từ TEMU chưa.
Thạch Đạt Lang
**********
(1) https://www.nytimes.com/2024/03/15/business/china-tiktok-house-bill.html
(2) https://www.axios.com/2024/03/15/tiktok-ban-security-china-laws
Ngân hàng Nhật Bản chấm dứt chính sách lãi suất âm
Minh Phương /RFI – 19/3/2024
Hôm nay, 19/03/2024, ngân hàng Trung Ương Nhật Bản (BOJ) đã đưa ra một thay đổi mang tính lịch sử: chấm dứt chính sách lãi suất âm và kiểm soát lợi suất trái phiếu Nhật Bản, vốn có hiệu lực trong 8 năm. Đồng thời BOJ lần đầu tiên tăng lãi suất chỉ đạo sau 17 năm. Nhật Bản từ nay áp dụng lãi suất ngắn hạn từ 0% đến 0,1% thay vì -0,1%, nhưng vẫn sẽ duy trì các điều kiện tài chính phù hợp vì đà phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh tại nước này.
Ảnh minh họa – Đồng yen Nhật Bản Reuters
Từ Tokyo, thông tín viên RFI Frédéric Charles cho biết cụ thể :
“Trước đây, tại Nhật Bản, cho vay tiền không hề có lãi. Nền kinh tế Nhật Bản đã bị tê liệt trong suốt 30 năm do giá cả sụt giảm trên diện rộng, sau sự bùng nổ của bong bóng thị trường chứng khoán và bất động sản hồi cuối năm 1989.
Nhưng hiện giờ tình hình đã thay đổi. Ngân hàng Trung Ương Nhật Bản cho rằng họ đã thắng trong cuộc chiến chống thoái lạm. Lạm phát quay trở lại dù hầu như dưới dạng nhập khẩu : sự suy yếu của đồng yên làm tăng giá nhập khẩu dầu, khí đốt và than đá. Các công ty lớn chấp nhận tăng lương đáng kể để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, do dân số Nhật Bản đang lão hoá.
Tuy nhiên, ngân hàng Trung Ương Nhật Bản không thể thắt chặt chính sách tiền tệ của mình. Lợi suất trái phiếu tăng sẽ làm tăng chi phí các khoản nợ công khổng lồ của Nhật Bản. Nhưng việc chấm dứt lãi suất âm ở Nhật Bản có thể tác động đến thị trường tài chính trên toàn thế giới. Các nhà đầu tư Nhật Bản, những người đã tích lũy đầu tư ở nước ngoài để tìm kiếm lợi nhuận, có thể sẽ phải tính toán đến việc chuyển vốn về nước.”
XEM THÊM
Naryshkin cho biết Pháp đang chuẩn bị gửi 2.000 quân tới Ukraine
Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga, ông Sergey Naryshkin, cho biết Nga có thông tin Pháp đang chuẩn bị cử một đội quân tới Ukraine, ban đầu sẽ có khoảng 2.000 người.
Theo Naryshkin, một đơn vị lớn như vậy sẽ không thể được điều động một cách kín đáo nên sẽ trở thành “mục tiêu của quân đội Nga”.
Báo Le Monde hôm nay đăng bài viết của Tướng Pierre Schille, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, trong đó ông viết rằng Pháp không tránh khỏi những căng thẳng đang nổi lên trên khắp thế giới và nước này đang chuẩn bị “cho những trận chiến khó khăn nhất”.