VNTB- Báo chí Hòa lan tẻ ngắt tin về chuyến công du của Thủ tướng Phúc

Phương Thảo

(Amsterdam)

(VNTB) – Khác hẳn với mật độ được đưa tin dày đặc ở báo chí Việt nam về chuyến viếng thăm chính thức của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Hoà lan, báo chí Hoà lan có vẻ quá kiệm lời về chuyến công du này có lẽ vì không bỏ tiền ra làm lobby báo chí như ở Mỹ hay có lẽ do người xứ lạnh vốn ít nồng nhiệt.

   Thủ tướng Hà Lan tiếp ông Phúc

Ít thông tin 

Cách đây ba ngày vài tờ báo mạng bình dân và cổng thông tin chính phủ đăng tải thông tin về chuyến công du của ông Thủ tướng Việt nam từ ngày 8 tháng 7 cho tới ngày 11 tháng 7 năm 2017.

Ngày 9 tháng 7, một tờ báo địa phương đưa tin thật sự chi tiết về cuộc viếng thăm ngôi làng cối xay gió. Thủ tướng Phúc cùng phu nhân và phái đoàn đến Zwan Schanse vào buổi sáng, đi dạo một vòng sau khi nghe giới thiệu vắn tắt về cối xay gió, ăn vài miếng đặc sản Hoà lan trong đó có bánh xèo kiểu Hoà lan mà phóng viên cho rằng ông Phúc thấy ngon khi ông gật gù lúc ăn bánh, chụp hình selfie rồi sau đó lại tiếp tục đi đến Amsterdam để đi thyền dạo trên các con kênh đào vốn là di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Kiệm lời 

Tìm khắp trên mạng cũng không thấy một dòng tin đặc biệt nào bằng tiếng Hoà lan về hoạt động chính thức phái đoàn của ông Phúc ở Hoà lan ngoài những thông tin cũ đã có từ vài ngày trước đó.

Sáng ngày 10 tháng 7 sau khi ghé thăm trường đại học Wageningen và nghe thuyết trình về an toàn thực phẩm, phái đoàn hơn trăm người đi về thành phố La Haye / Den Haag để gặp gỡ giới doanh nghiệp Hoà lan.

Tại đây, đối diện với khách sạn Novotel, nơi diễn ra hội nghị, có một số người Việt hải ngoại đã chờ sẵn với cờ vàng, biểu ngữ “ No Democracy No Trade”, phản đối Formosa. Một cuộc biểu tình ít người nhưng trật tự và chỉ được đứng trong khuôn viên mà cảnh sát quy định.

Theo nghị trình, cuộc gặp gỡ và làm việc chính thức với các doanh nghiệp sẽ kéo dài đến 4 giờ chiều và sau đó là đối tác gặp gỡ, tạo mối quan hệ kinh doanh. Thế nhưng mới khoảng hơn 3 giờ chiều đã có hơn chục người Việt có lẽ vì chán mà “lẻn” ra ngoài, đứng giữa đường chụp ảnh và sau đó bắt taxi đi vãn phố.

Mấy tháng sau bầu cử, liên minh cầm quyền vẫn chưa được hình thành, các đảng phái vẫn còn đang miệt mài tranh cãi. Và để làm thay đổi bầu không khí các cuộc tranh cãi mệt mỏi các nghị sỹ, kể cả thủ tướng hôm nay đi làm việc ăn mặc giản dị với quần jeans, áo sơ mi và giày thể thao, chính điều khác lạ làm lấn át mọi thứ khác và chỉ kèm theo một thông tin ngắn ngủi rằng vì phải tham dự bữa tiệc tối mà Mark Rutte dành cho Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, phu nhân và phái đoàn tai dinh thủ tướng nên sẽ ông không thể ăn tối ở nhà hàng cùng các nghị sỹ khác.

Tuyên bố chung 

Bản tuyên bố chung gồm 11 điều khoản đã được đưa ra, trong đó có điều khoản số 8 nhắc đến nhân quyền và pháp quyền. Tuy nhiên chỉ nhấn mạnh đến quyền của người đồng tính và chuyển giới mà không có nhắc đến các quyền cơ bản khác như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo … Bên cạnh đó cũng có nhắc đến các thoả thuận về chống tra tấn theo công ước quốc tế khi tình trạng chết trong đồn công an ngày càng gia tăng thì có lẽ đây là điểm mà Hoà lan cần có nhiều hồ sơ báo cáo.

Điểm nổi bật trong bản tuyên bố chung là phát triển bền vững – một điều mà Việt nam không thể nào làm theo đúng cam kết được trong khi môi trường đang bị tàn phá nặng nề từ bắc chí nam, an toàn thực phẩm cũng là một điều không hiểu sẽ được thực hiện theo lộ trình nào khi mà người dân đang tự đầu độc lẫn nhau, nhà nước – doanh nghiệp cùng đầu độc nguồn nước và đất trồng trọt.

Ngoài những tuyên bố chung ấy, không thấy phía Việt nam lẫn Hoà lan thông báo các hợp đồng đã được ký kết có trị giá bao nhiêu như lần ông Phúc đi Mỹ ngoài việc phía Hoà lan cam kết sẽ hỗ trợ – hợp tác. Ngày mai ông Phúc sẽ đến thăm Hạ Viện và gặp gỡ vài nghị sỹ cũng như kết thúc chuyến thăm Hoà lan lần này – một chuyến đi hết sức nhạt nhoà.

—————————-

VNTB- Nhóm lợi ích quân đội sẽ phải ‘nhả’ sân golf TSN?

Thiền Lâm

(VNTB) – Cuộc kháng chiến của nhu cầu xã hội và người dân với nhóm lợi ích “sân golf trong sân bay” có vẻ đang vào hồi kết.

Rốt cuộc, “người phát ngôn của Bộ Quốc phòng” – Thượng tướng, thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cũng xuất hiện trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV) với một khẳng định: “Quân đội sẵn sàng thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất để đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội”.

Rốt cuộc, “người phát ngôn của Bộ Quốc phòng” đã xuất hiện…

Liệu có thể tin được phát ngôn của ông Vịnh, nhất là trong khung cảnh giới quan chức Việt “bạ đâu ăn đó” và ngữ cảnh “nói dối như rươi”, khi mà mới đây một quan chức cao cấp như Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung còn trơ mặt nuốt lời cam kết “sẽ không truy tố toàn thể nhân dân Đồng Tâm”?

Thực ra, sau kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2017 với một làn sóng phản bác bất ngờ dồn dập đối với quốc nạn “sân golf trong sân bay”, đã có vài quan chức cấp trung của quân đội ra “điều trần” cùng vài lời hứa hẹn “quân đội sẵn sàng thu hồi sân golf TSN để phục vụ cho sân bay dân sự”. Tuy nhiên, đó chỉ là lời nói gió thoảng mà chẳng để lại một văn bản đóng dấu ký tên nào.

Mà có ký tên cũng còn chưa chắc. Lăn tay như Chung mà còn phản tố “tôi phải ký vì người dân ép tôi ký” kia mà…

Nhưng vào thời điểm này, bầu không khí lại có vẻ bất lợi hẳn cho nhóm lợi ích quân đội, để vì thế xã hội nhen nhóm hy vọng đòi lại đất sân golf cho sân bay.

Cơ sở quan trọng nhất cho hy vọng trên không phải liên quan trực tiếp đến sân golf TSN, mà là vấn đề “quân đội không làm kinh tế đơn thuần mà chỉ làm kinh tế quốc phòng” đã trở thành “chủ trương miệng” do Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch mà dàn chuyên gia của ông Lịch nêu ra. Theo đó, đang có một đề án rút từ 88 doanh nghiệp xuống chỉ còn 17 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng.

17 doanh nghiệp còn lại, về cơ bản, sẽ mang đặc thù phục vụ cho kinh tế quân đội.

Còn loại hình “kinh tế đơn thuần” như công trình sân golf TSN sẽ đương nhiên không được xem là “kinh tế quốc phòng” mà nhiều khả năng hơn sẽ bị chuyển trả cho sân bay dân dụng.

Hơn nữa, không trả cũng không được.

Trước đây, nhóm lợi ích quân đội và khối giao thông đã mưu tính sẽ dùng dự án sân bay Long Thành để thay sân bay TSN, do đó sẽ được lợi đôi đường: dự án sân bay Long Thành được “tố” đến 18 tỷ USD với chủ yếu là vốn ODA rất dễ “nuốt”, còn sân golf TSN sẽ không bị suy xuyển gì, thậm chí sau khi sân bay TSN chuyển hết về sân bay Long Thành, 800 ha đất của sân bay TSN sẽ bị “xẻ thịt”…

Nhưng người tính không bằng trời tình. “Trời” ở đây lại theo nghĩa đen, khi từ đầu năm 2016 đến nay, máy bay kẹt cả dưới đất lẫn trên trời ở sân bay TSN. Trong khi đó, nguồn vốn ODA muốn vay để xây sân bay Long Thành lại hoàn toàn bế tắc. Thậm chí “chỉ có” 18 ngàn tỷ đồng dùng cho giải tỏa bồi thường khu dân cư quanh dân bay Long Thành mà cả Quốc hội lẫn chính phủ còn tìm không ra…

Trong tình thể chẳng đặng đừng ấy và khi cả sân bay TSN sắp trở thành một “điểm đen chết chóc”, có lẽ “Quân ủy trung ương” không còn cách nào khác đã phải chỉ đạo các cơ quan quản lý kinh tế của Bộ Quốc phòng “nhả” sân golf TSN cho sân bay dân dụng.

——————————–

VNTB- Sau 4 năm làm thủ thư có 260 tỷ?

Thiên Điểu

(VNTB) – “Một cô gái tật nguyền, với chưa đầy 8 năm làm thủ thư ( từ 2009 tới nay). Con đường nào để Huỳnh Thị Xậm trở thành một “đại gia” giàu có để đủ khả năng thắng cả 4 gói thầu trị giá gần 260 tỷ đồng mau chóng đến vậy ?”

   Cô thủ thư Huỳnh Thị Xậm

Từ vượt khó đến đại gia

Gần đây, dư luận ở Bình Dương, đặc biệt là giới kinh doanh nói chung đang xì xào về câu chuyện “nữ đại gia trúng thầu 4 trụ sở công sản sau 3 lần đấu giá”. Vụ việc theo tin tức chính thức được các báo đưa tin hẳn hoi là “UBND tỉnh Bình Dương vừa phê duyệt kết quả bán đấu giá 4 trụ sở cũ trên địa bàn gồm: Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương, Hội Chữ thập đỏ và Hội Cựu chiến binh tỉnh, người mua trúng toàn bộ 4 trụ sở này là một phụ nữ ngụ tại thị xã Thuận An (Bình Dương) với tổng số tiền 257,1 tỉ đồng. Được biết, tổng diện tích đất của 4 trụ sở vào khoảng 11.688,5m2 cùng tài sản trên đất. Toàn bộ tài sản này đã đấu giá lần thứ ba mới bán thành công.” – PNVN.

Nếu chú ý chi tiết “đã đấu giá lần thứ ba mới bán thành công” thì không ai dám nói trong vụ đấu giá này có gì đáng nói. Điều đáng nói vị “nữ đại gia” có số tiền khủng để thắng thầu này là ai mà giàu có đến vậy, thì không ai biết đến cái tên Huỳnh Thị Xậm, ngoại trừ những người ở Trung tâm dạy nghề người khuyết tật và trẻ mồ côi TP HCM với người phụ nữ khuyết tật đầy nghị lực này.

Nếu xét trên thông tin đời tư cũng được báo chí đăng tải về Huỳnh Thị Xậm, “ Huỳnh Thị Xậm, 35 tuổi, quê ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang vốn bị dị tật bẩm sinh. Hai tay rất yếu chỉ sử dụng vào những việc nhẹ. Hai bàn chân chỉ còn được 4 ngón ở bàn chân phải nguyên vẹn. Gia đình có 6 người con gái nhưng chỉ một mình Xậm kém may mắn. Năm lên 14 tuổi, cha Xậm mất.

Sau cái chết của cha, Xậm đòi gia đình cho đi học. Cả nhà không ai đồng ý nhưng trước quyết tâm của Xậm, cuối cùng ý nguyện chính đáng của cô gái bất hạnh đã được chấp nhận. Xậm trở thành học sinh lớp 1 lớn tuổi nhất, 15 tuổi.

Trường học cách nhà khá xa, mỗi ngày Xậm phải đến trường bằng ghe. Với ý chí kiên cường, Xậm đã tập chèo và chỉ một thời gian ngắn sau, Xậm có thể tự mình đến trường bằng ghe.

Cứ thế, cô học hết lớp 1 đến lớp 2. Xậm vẫn một lòng quyết tâm đến trường, không mặc cảm khuyết tật, không ái ngại vì tuổi lớn, Xậm học hết cấp 1, bước sang cấp 2. Xậm tốt nghiệp cấp 3 ở tuổi 27.

….

Xậm được theo học khoa Xã hội học, trường Đại học Mở TP.HCM. Trong 4 năm từ 2009 đến 2013, Xậm đã tốt nghiệp với mảnh bằng cử nhân xã hội học.

Hiện, ban ngày Xậm làm việc tại thư viện. Tối đến, Xậm mở lớp dạy chữ cho những người mù và câm điếc. (Nguồn: vietnamnet.vn)

 

Nếu theo thông tin ở trên, không mấy ai không cảm phục một cô gái gặp hoàn cảnh bất hạnh nhưng đã kiên cường vươn lên, theo đuổi con đường học hành để trở thành nhân viên Trung tâm dạy nghề người khuyết tật và trẻ mồ côi TP HCM với tấm bằng Đại học và chức danh Thủ thư thư viện tại trung tâm này.

Nghi vấn

Nhưng với thông tin cô thắng thầu cả 4 khối tài sản công tại Bình Dương với số tiền gần 260 tỷ thì không ai khỏi bất ngờ và không đặt ra câu hỏi: Một cô gái tật nguyền, với chưa đầy 8 năm làm thủ thư ( từ 2009 tới nay). Con đường nào để Huỳnh Thị Xâm trở thành một “đại gia” mau chóng, gây bất ngờ đến vậy?

Quay lại với 4 khối tài sản được Bình Dương đưa ra đấu giá. Đây là những tài sản công dư ra sau khi Bình Dương xây dựng Trung tâm hành chính mới với tòa nhà công sở thuộc diện sang chảnh bậc nhất tại Việt Nam với tổng giá trị hơn 1.400 tỷ đồng. Tòa nhà hành chính này giờ đây đã trở thành biểu tượng cho độ sang trọng của quyền lực tại Bình Dương, đồng thời cũng là trụ sở cấp tỉnh mở ra cuộc đua “xây dựng Trung tâm hành chình” trên tất cả các tỉnh thành của cả nước.

Nguồn thu từ đấu giá các trụ sở, cơ quan hành chính cũ được thu về sử dụng với mục đích gì chưa biết. Nhưng nghi ngờ của dư luận dấy lên sau vụ Huỳnh Thị Xậm thắng thầu đang đặt ra một vấn đề lớn: Việc đấu giá các lô tài sản công – trong đó có cả vụ 4 trụ sở của Bình Dương vừa xong – có thật sự là một cuộc đấu giá công khai và minh bạch ?

Cách đây vài tháng, vụ “khu phố quan” tại Lào Cai bị báo chí phanh phui nhưng cũng được giới quan chức địa phương giải trình là “qua đấu giá hợp pháp, đúng qui trình” nhưng toàn bộ khu đất kim cương này đều “ngẫu nhiên” do bản thân hoặc người thân của các quan chức đầu tỉnh tại đây thắng thầu (!).

Tiêu chí “minh bạch” mà cả ông Tổng bí thư Trọng, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn hô hào xem ra khó mà xuyên thủng được tấm màn “đúng qui trình, đúng thủ tục”.

——————————–

VNTB- Mẹ Nấm: Phương cách Việt Nam giam giữ blogger nổi tiếng nhất

 

The Guardian, ngày 9/7/2017

(bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)

(VNTB) – “Tôi vỗ tay trong phòng, nơi mà 20 sỹ quan an ninh nhìn tôi với đôi mắt rất tức giận, nhưng tôi không sợ; tôi thấy ổn và rất tự hào về con gái,” bà Nguyễn Thị Tuyết Lan nói.

Một trong những blogger chính trị có ảnh hưởng nhất của Việt Nam, được Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump trao tặng giải thưởng phụ nữ can đảm, bị kết án 10 năm tù giam vì những công việc “phản động”.

“Mỗi người chỉ có một cuộc sống, nhưng nếu tôi có cơ hội để lựa chọn một lần nữa tôi vẫn sẽ chọn cách của mình.”

Đó là những lời của một trong những blogger có ảnh hưởng nhất của Việt Nam – được biết đến dưới cái tên trực tuyến là “Mẹ Nấm” – vài phút trước khi cô bị kết án với bản án tù mười năm. Những lời trên còn là lời nhắn nhủ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho người mẹ 61 tuổi đang xem vụ xử án trong một căn phòng bên cạnh vì bà không được vào phòng xử án.

Người phụ nữ 37 tuổi bị buộc tội phỉ báng chế độ cộng sản của Việt Nam trong các blog của cô và trả lời phỏng vấn trên nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài.

“Tôi vỗ tay trong phòng, nơi mà 20 sỹ quan an ninh nhìn tôi với đôi mắt rất tức giận, nhưng tôi không sợ; tôi thấy ổn và rất tự hào về con gái,” bà Nguyễn Thị Tuyết Lan nói.

Bị bắt vào tháng 10 năm 2016 trong khi đang cố thăm viếng một người bất đồng chính kiến ​​khác trong nhà tù, Quỳnh, 37 tuổi, đã bị giam giữ chín tháng qua, theo luật sư của cô ta nói là trong điều kiện vô cùng tồi tệ.

Luật sư Võ An Đôn cho biết, cô chỉ được ăn một ít cá cơm và súp rau bina trong bảy tháng đầu, và không được cung cấp băng vệ sinh và đồ lót.

Sau khi Quỳnh bị bắt vào ngày 10 tháng 10, mẹ cô không được gặp cô cho đến một ngày trước ngày xử án khi họ được phép gặp nhau rất ngắn ngủi.

Thời gian đã gây tổn hại đến con gái bà, bà Lan nói với The Guardian trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ nhà bà ở thành phố biển Nha Trang. Quỳnh xuất hiện ốm yếu trong cuộc gặp của họ, bà nói.

“Tôi nói:” Con gái yêu dấu của mẹ, bây giờ mẹ tin rằng con vẫn còn sống.” Nhưng con gái tôi trông rất yếu với làn da nhợt nhạt”, bà nói thêm.

Việt Nam đang bị điều tiếng vì giới hạn về tự do ngôn luận, nhưng việc giam giữ Mẹ Nấm với bản án dài bất thường là lời cảnh tỉnh cho c cộng đồng viết blog của nước này, những người không chịu sự kiểm duyệt như các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhanh chóng kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm.

Trong khi Quỳnh bị nhà nước gắn mác “phản động” vì viết blog chỉ trích chính phủ, bạn bè và gia đình cô đã coi cô là một trong số những người đi đầu đòi tự do biểu đạt ở một đất nước mà việc chỉ trích chế độ độc đảng bị cấm.

“Con gái tôi đã làm một điều bình thường trong một xã hội bất thường, vì vậy cô ấy phải trả giá bằng nhà tù và bị bôi xấu,” bà Lan nói.

Quỳnh đã nổi tiếng trong giới blog của Việt Nam vào cuối những năm 2000 vì những bài viết độc lập của cô. Là một thành viên sáng lập Mạng lưới Bloggers Việt Nam, cô chú trọng về về môi trường, bạo hành của cảnh sát và tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam với Trung Quốc ở Biển Đông.

Bà Lan cho biết ý thức chính trị của con gái bà bắt đầu sau khi học ngoại ngữ ở trường đại học.

Khi khám phá thế giới trực tuyến đa nguyên, Quỳnh đến gặp mẹ mình những câu hỏi khó.

“Cô ấy hỏi tôi:” Mẹ ơi, mẹ có biết điều này (về chính phủ)? “Tôi nói tôi biết, nó hỏi tôi tiếp: ‘Tại sao mẹ không nói với con?’ bà Lan nhớ lại.

“Tôi đã nói với con gái rằng tôi biết, nhưng trong xã hội này chúng ta đang sống, đó không phải là xã hội mà bạn có thể nói ra, và họ sẽ tố cáo bạn.”

Quỳnh đã trở thành một nhân vật nổi bật bên ngoài Việt Nam, và đã đấu tranh cho những nỗ lực trong xã hội dân sự Việt Nam để thảo luận chính trị trên Facebook. Chính phủ đã trở nên tức giận bởi phong trào mà họ đã kêu gọi tất cả các công ty ở Việt Nam ngừng quảng cáo trên YouTube và Facebook.

Tháng 3, Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump đã trao tặng Quỳnh Giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế, mà Việt Nam nói “không phù hợp và không có lợi cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước”.

Bạn bè của Quỳnh mô tả cô ấy thẳng thắn và nóng tính nhưng đúng với lời nói của cô.

“Cô ấy luôn nói ra suy nghĩ của cô ấy, vì thế đó là điều không tốt cho cô ấy khi cô ấy gây ra rắc rối với một nhân cách như vậy, nhưng cô ấy là người luôn làm những gì cô ấy nói sẽ làm”, theo Trịnh Kim Tiến, một nhà hoạt động xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh.

Các bài viết cuối cùng của Quỳnh trên Facebook, phương tiện viết blog ưa thích của cô trước khi bị bắt giam, là sự kết hợp của việc tái đăng bài viết của nhiều nhà hoạt động khác và những bài viết chỉ trích nhà nước.

“Loại xã hội nào mà các quan chức coi công dân ngu ngốc hơn lợn?” cô viết vào ngày 29/9/2016.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ở New York cho biết, việc Quỳnh đã tham gia vào nhiều cuộc phản đối nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh thuộc Đài Loan ở miền bắc Trung bộ Việt Nam, là đơn vị chịu trách nhiệm trong thảm họa môi trường năm 2016, là sự chịu đựng cuối cùng của các nhà chức trách.

“Mối quan hệ mật thiết của Mẹ Nấm với phong trào chống Formosa mà chính phủ ngày càng coi là một thách thức an ninh đối với thẩm quyền của nó, có nghĩa là cô trở thành ứng cử viên lý tưởng cho một bản án nặng nề được dựng lên để đe dọa người khác”, Robertson nói.

Human Rights Watch cho biết có khoảng 110 tù nhân chính trị hiện bị giam giữ ở Việt Nam, mặc dù quốc gia này nói Việt Nam không có tù nhân chính trị. Phát biểu tại một cuộc họp báo vào ngày xét xử, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói rằng “tất cả các hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật Việt Nam”.

Phạm Thanh Nghiêm, một người bạn của Quỳnh, người mà việc viết blog đã dẫn đến việc cô bị bắt giam từ năm 2008 đến năm 2012, nói rằng cô đã khóc khi phán quyết được đưa ra.

“Tôi không ngạc nhiên vì theo chính quyền thì cô đã phạm nhiều tội … Tôi có thể cảm thấy tay và chân của tôi run rẩy”, cô nói.

“Chúng tôi là bạn, chúng tôi cũng là phụ nữ, và tôi cảm thấy thông cảm cho con cái, gia đình của cô ấy.”

Mẹ của Quỳnh, bà Lan, hiện đang có nhiệm vụ nuôi hai đứa cháu của mình trong khi mẹ chúng vẫn còn trong tù. Trừ khi nhà nước cho Quỳnh được ân xá, các cháu sẽ lớn lên mà không cha mẹ.

“Bây giờ tôi cảm thấy trống rỗng,” bà Lan nói.

————————

Mother Mushroom: how Vietnam locked up its most famous blogger

————————————

VNTB- Sao ông Dương Trung Quốc lại sợ taxi truyền thống bị “giết chết”?

 

Nguyễn Tường Thụy

(VNTB) – Lo taxi truyền thống bị “giết chết”, đòi cấm các hãng taxi mới xuất hiện với phương thức quản lý mới, ông Dương Trung Quốc chưa thoát khỏi lối tư duy thời bao cấp.

   ĐBQH Dương Trung Quốc lên tiếng về Uber, Grab. Ảnh Một thế giới

Ông Dương Trung Quốc vừa gửi ý kiến đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cơ quan này chuyển đề nghị đến lãnh đạo Chính phủ trả lời các vấn đề về xe Grab, Uber. Trước sự xuất hiện của Grab, Uber ông lo hạ tầng giao thông không chịu nổi, lo nhà nước thất thu thuế, lo taxi truyền thống bị giết chết…

Xin có mấy ý kiến về ba mối lo chính của ông.

Về hạ tầng giao thông: Chẳng đợi tới sự xuất hiện của Grab, Uber thì hạ tầng giao thông ở các thành phố lớn đã quá tải rồi. Việc giải quyết vấn đề này thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý như mở rộng đường, làm cầu vượt, cấm cục bộ một vài loại xe ở một số con phố hay bắt đi theo đường vành đai, thậm chí tính đến cả việc cấm xe máy trong nội đô. Tất nhiên, việc cấm xe máy không hề đơn giản. Nó chỉ có thể thực hiện khi phương tiện giao thông công cộng đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân về số lượng cũng như về sự tiện lợi. Không thể vì hạ tầng giao thông kém mà cấm người dân đi lại.

Tuy nhiên, cái sự cấm là phải công bằng. Không thể cùng loại xe 4 chỗ hay 7 chỗ, người thì bị cấm còn người thì không. Cùng loại hình vận tải khách, không thể cấm Grab, Uber còn taxi khác thì không.

Về mối lo thất thu thuế: Quản lý việc đóng thuế thuộc chức năng của cơ quan thuế. Nếu thất thoát, đó là do quản lý kém. Phải công nhận là có ngành sản xuất, dịch vụ quản lý dễ nhưng có ngành rất khó quản lý. Vì vậy, mới sinh ra hình thức nộp thuế theo phương pháp khấu trừ hay phương pháp trực tiếp, tùy loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh mà áp dụng. Tuy nhiên, rất khó tìm ra lấy 1 doanh nghiệp, hộ kinh doanh không trốn thuế. Ông Dương Trung Quốc cho rằng, hiện nay Uber, Grab chỉ đóng thuế trên 20% tổng thu nhập. Tôi không biết con số ấy ở đâu ra. Nếu đúng thì đó là một tỉ lệ rất cao, sao lại nói là “chỉ” (có thế), vì theo thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính thì tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được quy định theo từng hoạt động như sau: Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%; Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%; Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%; Hoạt động kinh doanh khác: 2%).

Cũng không cần biết 80% còn lại họ làm gì, của lái xe là bao nhiêu, điều này không cần thiết, chỉ cần nắm những chỉ tiêu bắt buộc là được mà trước hết là chỉ tiêu thuế.  Nếu bắt buộc họ kê khai tỉ mỉ thì cũng chỉ nhận được những con số giả.

Ông Quốc cho rằng Grab, Uber khó kiểm soát vì nó “tàng hình”.  Nhưng cũng vì nó “tàng hình” nên cấm cũng rất khó, nó chạy long nhong ngoài đường thì nhận biết ra sao. Mà riêng gì Uber hay Grab. Đây là thách thức đối với cơ quan chức năng, đòi hỏi các cơ quan này phải không ngừng nâng cao trình độ quản lý của mình. Tư duy quản không được thì cấm, báo chí đã nhiều lần phê phán.

Thứ ba là mối lo taxi truyền thông bị “giết chết”. Có lẽ đây là lý do chính tạo nên hình ảnh thiếu thiện cảm của Uber, Grab trong con mắt của ông Quốc. Trước hết cần khẳng định rằng, chẳng có ai có thể giết chết taxi truyền thống trừ chính họ. Đấy là tính chất khốc liệt của cạnh tranh. Nghe đâu, hãng taxi Vinasun tuyên bố sẽ khởi kiện Uber và Grab với “tội” chính là phá giá. Nhưng để biết Uber hay Grab có phá giá hay không lại còn phải xem họ có vi phạm những qui định về chống phá giá hay không (thí dụ qui định về khuyến mãi). Còn như họ giảm được chi phí hoặc chịu “ăn ít” đi thì đấy là một sự hạ giá rất nên hoan nghênh.

Kinh tế thị trường không thể không có cạnh tranh và có cạnh tranh thì mới thúc đẩy sản xuất phát triển. Hai yếu tố cơ bản của cạnh tranh là giá cả và chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Nhưng lưu ý rằng “1 km vận chuyển với thái độ phụ vụ tốt, kịp thời, phương tiện tốt” khác với  “1 km vận chuyển với thái độ phục vụ kém, chậm trễ, phương tiện kém”. Đó là hai đơn vị dịch vụ khác nhau chứ không thể đánh đồng thành “1 km vận chuyển”.Không thể lấy giá cao hay thấp của 1 km vận chuyển đơn thuần để so sánh. Trong nhiều trường hợp người ta vẫn chấp nhận cái được coi là giá cao. Vì vậy suy cho cùng yếu tố của cạnh tranh vẫn là giá cả.

Để hạ giá thành cần phải hạ chi phí cấu thành nên một đơn vị sản phẩm , dịch vụ, thứ hai là hạ chi phí quản lý. Một doanh nghiệp với bộ máy quản lý cồng kềnh, quan liêu, tư duy trì trệ  bị một doanh nghiệp có phương thức quản lý tiên tiến vượt mặt là điều dễ hiểu.

Cạnh tranh đem lại nhiều lợi cho người tiêu dùng. Nói đúng hơn là người tiêu dùng đỡ bị thiệt hại. Một ví dụ dễ thấy hơn cả và thiết thực với tất cả người dân là lĩnh vực viễn thông. Sự xuất hiện của mạng Viettel đã làm cho thị trường này trở nên sôi động. Trong cuộc cạnh tranh đó, một nửa trong số 10 nhà mạng điện thoại phải rút khỏi cuộc chơi. Đó là cuộc cạnh tranh ngoạn mục, có lợi cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng cần đặt ra câu hỏi, sức cạnh tranh của Viettel thực chất đến đâu, có phải do lợi thế của một tập đoàn viễn thông quân đội với những ưu đãi hoặc những khoản chi không phải tính vào giá thành do dùng công lính.

Hiện nay, taxi chưa phải là phương tiện đi lại của người dân có thu nhập trung bình vì giá quá khả năng của họ. Vì vậy thị trường này rất cần có cạnh tranh. Việc xuất hiện Uber rồi Grab với giá cả phải chăng đã bắt đầu thu hút được những khách hàng bình dân. Hy vọng những hãng này cũng tạo ra một thị trường vận tải khách sôi động như Viettel đã và đang làm trong lĩnh vực viễn thông.

Vì vậy, không nên bảo lãnh cho những doanh nghiệp được coi là “truyền thống” nhưng làm ăn trì trệ với những đầu óc bảo thủ, “ăn dày”. Thị trường phải có sự cạnh tranh bình đẳng. Quản lý kinh tế khác với quản lý hành chính. Không thể dùng quyền lực, mệnh lệnh để diệt doanh nghiệp này để cứu doanh nghiệp kia. Điều này là “phản động”, nếu hiểu theo đúng nghĩa của từ này.

Trở về quá khứ một chút. Chính nền kinh tế tập trung, bao cấp đã đưa đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội trầm trọng vào giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. Thế mà chỉ cần thổi vào đó chút sinh khí của kinh tế thị trường thôi mà nền kinh tế khởi sắc trông thấy.

Nền kinh tế nước ta hiện nay giống như con dơi, nửa thú nửa chuột. Đã thị trường lại còn định hướng XHCN, mà chẳng ai biết mặt mũi cái CNXH nó như thế nào. Nhưng có cái nửa thị trường đó vẫn còn hơn không. Nó đem lại cho người tiêu dùng nhiều điều lợi ích và thúc đẩy kinh tế phát triển. Ở nhiều nước, sản xuất vũ khí cũng do tư nhân đảm nhận, chính phủ chỉ là khách hàng.

Vận tải khách không phải là ngành kinh tế chiến lược, chẳng bao giờ được coi là “quả đấm thép” (cho dù chỉ để đấm vào mặt nhân dân) nên phải có sự cạnh tranh bình đẳng. Lo taxi truyền thống bị “giết chết”, đòi cấm các hãng taxi mới xuất hiện với phương thức quản lý mới, ông Dương Trung Quốc chưa thoát khỏi lối tư duy thời bao cấp.

Print Friendly, PDF & Email

1 thought on “Việt Nam Thời Báo ngày 12/7/2017

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Name

Time limit is exhausted. Please reload the CAPTCHA.