Quê Hương tổng hợp


World Bank: Ngân sách chính phủ Việt Nam ‘tiếp tục thâm hụt’ 

20/9/2023 

VOA Tiếng Việt 

Công nhân dệt may Việt Nam.

Công nhân dệt may Việt Nam. 

Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới cho biết rằng thâm hụt ngân sách của Việt Nam “tính đến thời điểm hiện tại ước khoảng 2,3 tỷ USD”.

Công bố bản cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam hôm 18/9, tổ chức tài chính này nói rằng khi nền kinh tế chậm lại, số thu ngân sách giảm 23,2% trong tháng 8 năm 2023, sau khi giảm 17-36% so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2023.

Trong khi đó, theo World Bank, chi tiêu công “tiếp tục tăng nhanh”, tăng 22,1% trong tháng 8, tương đương với mức tăng trong các tháng 5, 6, 7 “do giải ngân đầu tư công tăng”.

Trong bản cập nhật, Ngân hàng Thế giới cũng cho biết rằng trong tháng 8, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa “tiếp tục nằm trong vùng suy thoái”, giảm lần lượt là 7,3% và 8,1%.

Cơ quan tài chính này nói thêm rằng “sự suy giảm trong thương mại hàng hóa phản ánh nhu cầu tiếp tục yếu từ các thị trường xuất khẩu chính, bao gồm Mỹ và EU, khiến xuất khẩu giảm lần lượt 19,1% và 8,3% trong 8 tháng đầu năm 2023”.

World Bank cũng nhận định rằng “trong khi sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu có thể đã chạm đáy và tiêu dùng trong nước vẫn ổn định, tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục chậm, phản ánh đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin của nhà đầu tư yếu”.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hôm 19/9 thừa nhận tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn cho hai quý còn lại của năm trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% đã đề ra cho năm nay.

Theo nhận định của Bloomberg, quốc gia Đông Nam Á vốn phụ thuộc vào xuất khẩu đã không thể lấy lại động lực kinh tế khi nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam bị suy yếu và các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản chống chọi với suy thoái.

https://www.voatiengviet.com


Tại sao quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản chưa là Đối tác chiến lược toàn diện?

Trần Văn Thọ

21-9-2023

Nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden (10-11/9/2023), hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Đối tác chiến lược toàn diện là cấp quan hệ song phương cao nhất của ngoại giao Việt Nam. Nhân sự kiện này, báo chí cũng nói thêm về những nước đã được Việt Nam thiết lập quan hệ song phương cao nhất này, gồm bốn nước là Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016) và Hàn Quốc (2022).

Trên facebooks và tại nhiều hội thảo liên quan Việt Nhật mà tôi tham dự gần đây (tháng 7 ở Đà Nẵng, tuần trước ở Hà Nội, v.v..) nhiều người nêu thắc mắc là tại sao quan hệ Nhật Bản và Việt Nam chưa được như bốn nước nêu trên mặc dầu trên thực chất ít có hai nước nào có quan hệ rất mật thiết và tin cậy lẫn nhau như Việt Nam và Nhật Bản. Nhật là nước cung cấp ODA nhiều nhất cho Việt Nam, và là một trong ba nước đầu tư (FDI) nhiều nhất tại nước ta. Lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước hầu như hằng năm đều có các cuộc thăm viếng, hội đàm. Hoàng gia Nhật Bản cũng trọng thị quan hệ với Việt Nam. Năm 2017 Thiên hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko (bây giờ là Thượng hoàng và Thượng hoàng hậu) đã thăm chính thức Việt Nam, và hôm qua (20/9) Hoàng Thái đệ Akishino và Công nương Kiko bắt đầu chuyến thăm Việt Nam để đánh dấu 50 năm quan hệ Nhật Việt.

Những người Việt Nam yêu mến đất nước và con người Nhật Bản rất vui mừng thấy quan hệ tốt đẹp của hai nước đang phát triển, nhưng thấy bất mãn là Việt Nam chưa thiết lập quan hệ với Nhật ở cấp cao nhất như với 4 nước kể trên.

Tôi tìm hiểu vấn đề và giải mã được nghịch lý này.

Năm 2014 nhân chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Việt Nam có đề nghị Nhật Bản nâng tầm quan hệ lên cấp cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên phía Nhật Bản không đồng ý vì họ muốn có một quan hệ thực chất hơn là hình mẫu quan hệ Việt Trung hay Việt Nga mà họ nghĩ là độ tin cậy không bằng quan hệ Việt Nhật. Cuối cùng hai bên nhất trí dùng cụm từ mới là Đối tác chiến lược sâu rộng để hình dung quan hệ ngoại giao của hai nước trong giai đoạn mới. So với “chiến lược toàn diện” thì “chiến lược sâu rộng” có thể phạm vi nhỏ hơn (không toàn diện) nhưng trong từng quan hệ cụ thể đều có chiều “sâu”, có thực chất.

https://baotiengdan.com/2023/09/21


Vietnam Airlines có thể lỗ bốn năm liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu

RFA
20/9/2023

Vietnam Airlines có thể lỗ bốn năm liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu

Máy bay của Vietnam Airlines ở sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM hôm 1/12/2021 (minh họa) 

AFP 

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) có thể lỗ bốn năm liên tiếp khi con số lỗ trong năm 2023 dự kiến có thể lên tới hơn  4.500 tỷ đồng.

Con số lỗ này theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, đã cải thiện nhiều so với con số lỗ 10.091 tỷ đồng mà Vietnam Airlines đã báo trong năm 2022. Truyền thông Nhà nước loan tin trên trong ngày 20/9.

Theo báo cáo, tám tháng đầu năm năm 2023, sản lượng vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines ước đạt hơn hai triệu lượt, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hóa vận chuyển khoảng 193.300 tấn, giảm 4% so với năm trước đó.

Lý giải việc giảm lỗ so với năm 2022, đại diện Vietnam Airlines cho biết trên tờ Tài chính Tiền tệ rằng, trong thời gian qua, do thị trường vận tải từng bước phục hồi và Vietnam Airlines tiếp tục chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn như điều hành linh hoạt cung ứng tải vận chuyển, cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ… giúp mức lỗ quý II/2023 giảm so với quý II/2022. 

Tuy vậy, đại diện đơn vị này cho biết, hoạt động kinh doanh vận tải vẫn chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan và các yếu tố rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh. Lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong báo cáo mẹ và hợp nhất sáu tháng năm 2023 chỉ đạt khoảng 6,4% doanh thu.

Như vậy, sau 14 quý lỗ liên tiếp, Vietnam Airlines lỗ lũy kế tới 35.667 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 11.598 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý II/2023, tổng nợ phải trả của Vietnam Airlines không biến động nhiều so với cùng kỳ, vẫn ở mức hơn 70.700 tỷ đồng.

Trên thị trường, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đang nằm trong diện bị hạn chế giao dịch do Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Hôm 11/9, Vietnam Airlines và Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing đã ký kết bản ghi nhớ về việc chào bán 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 Max với giá trị 10 tỷ USD.

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết động thái này nằm trong chiến lược phát triển đội máy bay giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, đầu tư máy bay là dự án trọng điểm để Vietnam Airlines đảm bảo đạt được mục tiêu.

Ông Hòa cũng khẳng định Vietnam Airlines đã và sẽ tiếp tục làm việc với các định chế tài chính để tìm kiếm các cơ hội và giải pháp thu xếp vốn cho dự án phù hợp nhất, bao gồm cả các giải pháp ngắn, trung hạn cho khoản tiền trả trước cũng như giải pháp bán và thuê lại.

https://www.rfa.org/vietnamese


Tháng 9 về, lại nhớ chùa Liên Trì 

Gia Định /VNTB – 21/9/2023

VNTB – Tháng 9 về, lại nhớ chùa Liên Trì 

Kể từ cái ngày 8-9-2016, vậy là đã hơn 7 năm, chùa Liên Trì đã không còn trên đất Thủ Thiêm, Sài Gòn. 

Tôi nhớ, mình biết đến chùa Liên Trì là thông qua ông nhà báo Phạm Chí Dũng, một cuộc gặp gỡ “vô tình” tại đây.  

Trong ký ức của tôi thuở đó, có lẽ cũng chẳng ấn tượng gì nhiều bởi chung quy, tới chùa, là lễ Phật, cầu mong bình an, sức khoẻ cho gia đình và người nhà mà thôi. Nhưng nhắc đến Liên Trì, nhắc đến buổi gặp đầu tiên với ông nhà báo Dũng tại đây, có lẽ điều làm tôi nhớ nhất là… con chó của sư trụ trì. 

Đi không ít chùa, dĩ nhiên trong số đó cũng có nhiều chùa có nuôi chó. Đa số các con chó trong chùa đều hiền lành, trừ một số nơi, và con chó ở Liên Trì cũng vậy. Nói thiệt là giờ tôi cũng không nhớ rõ sư trụ trì ngày ấy nuôi tất cả bao nhiêu con chó nhưng con “răng hô” (cái tên do tôi tự đặt) lại làm tôi thấy ngạc nhiên và nhớ nhất.  

Lần đầu tiên đến chùa, mà nó xem tôi như một người bạn rất thân thiết vậy, quấn quít mãi dưới chân trong suốt buổi gặp với ông nhà báo Dũng. Rồi sau này, thân hơn với chùa Liên Trì, cái tình cảm của con “răng hô” dành cho tôi dường chừng như lại nhiều hơn.  

Cái ngày mà chùa bị giải toả, trong khi thầy trụ trì đang ở trong “đối phó” thì tôi ngoài này đứng nhìn vào đầy bất lực. Không biết rằng thầy sẽ như thế nào? Những người đã khuất ở đó sẽ ra sao? Và cả những con chó thầy nuôi, con “răng hô” mà tôi yêu mến nữa.  

Rồi thời gian dần trôi, tôi có nhiều cơ hội hơn để tiếp xúc với sư trụ trì Thích Không Tánh. Càng tiếp xúc, tôi càng thấy thầy là một người nhà sư tốt và hiền lành, tốt hơn tôi nghĩ. Thầy sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn, cho dù người đó có là thương phế binh, là thuyền nhân, là dân oan hbay là một người dân bình thường. Hình ảnh một vị sư trụ trì đi quét sân, và cái nhìn xa xăm của thầy khi chùa có tin sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ.  

Trong một lần viếng thăm một cổ tự, hữu duyên gặp một thầy đang ngồi phe phẩy cây quạt ở ngoài hàng hiên. Cứ tưởng đó chỉ là một “chú tiểu” hoặc một sư thầy tu trong chùa. Nhưng không, nói ra mới biết, đó là sư trụ trì. Thầy bảo: “Nói thiệt với mấy con, hiếm khi nào mấy con mới gặp được sư trụ trì để ngồi nói chuyện thoải mái. Thầy không câu nệ cái gì hết. Thầy thích kiểu thân thiện hơn cái cách mỗi khi gặp thầy là cúi người, khép nép rồi nói mấy câu lễ nghi. Mình đi tu, người ta cũng đi tu, đâu có biết ai sẽ thành Phật trước đâu, trong cuộc sống này, mọi người đều như nhau”. 

Khi đó, trong đầu tôi lập tức xuất hiện hình ảnh sư trụ trì Không Tánh. Đó là vị sư thầy trụ trì đầu tiên mà tôi cảm thấy thoải mái khi nói chuyện. Thầy không giảng đạo, cũng không quan tâm đến bề ngoài, luôn vui vẻ cho dù người đó chưa có… pháp danh. 

Năm nay, tháng 9 lại về, trong một lần hữu duyên, trở lại vùng đất Trần Não – Lương Định Của năm xưa, chợt giật mình, thay đổi quá nhiều, dường chừng như dấu tích của ngày xưa đã mất.  

Thủ Thiêm “thay da đổi thịt” từng ngày, từng tháng, liệu rằng, mai này, khi nhắc về Thủ Thiêm xưa, có còn ai nhớ đến ngôi chùa cũ? Với những Phật tử thuần thành, những con người hữu duyên với Liên Trì, những con người gắn bó với Liên Trì, có lẽ sẽ không bao giờ quên được! 

“…Về đây với những bước chân trìu mến 

Những bước chân êm trên phố phường quen 

Nếu mưa rơi sẽ mát lòng em 

Về đây ta sẽ tới ngôi chùa cũ 

Gióng tiếng chuông xưa nghe tiếng tình tơ 

Bến đò xưa cô lái vẫn chờ…” 

Con đò Thủ Thiêm biến mất, ngôi chùa cũ cũng biến mất. Thèm một lần được cùng người thân trở lại trên con đò ấy. Thèm một lần được nghe lại tiếng chuông xưa. Dường như, tất cả, chỉ còn là hoài niệm của bầu trời ký ức… 

Homepage


Việt Nam bắt giam chuyên gia năng lượng Ngô Thị Tố Nhiên, vài ngày sau chuyến thăm của TT Biden 

20/9/2023 – Reuters 

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Hà Nội ngày 10/9/2023.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Hà Nội ngày 10/9/2023. 

Việt Nam vừa bắt giữ một chuyên gia năng lượng vài ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến thăm Hà Nội và công bố nhiều sáng kiến chung, bao gồm cả việc bảo vệ nhân quyền, theo Reuters.

Reuters dẫn thông tin từ The 88 Project hôm 20/9 cho biết trong một tuyên bố rằng công an Hà Nội đã bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Điều hành Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam (VIETSE), một tổ chức tư vấn độc lập tập trung vào chính sách năng lượng xanh, vào ngày 15/9.

Chính quyền chưa đưa ra thông báo nào về việc bắt giữ này và báo chí trong nước cũng chưa đưa tin về việc này. Chính phủ Việt Nam không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Một người biết rõ sự việc xác nhận với Reuters rằng bà Nhiên đã bị giam giữ.

The 88 Project (Dự án 88) cho biết thêm 5 chuyên gia năng lượng và khí hậu khác hiện đang bị giam giữ tại Việt Nam trong bối cảnh quốc gia do Cộng sản cai trị này đang đàm phán với các đối tác quốc tế để đẩy nhanh các chính sách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Vào thời điểm bị giam giữ, bà Nhiên đang hợp tác với văn phòng Việt Nam của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) để thực hiện Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, một cam kết trị giá 15,5 tỷ đôla của nhóm G-7 và các nước khác nhằm giúp Việt Nam giảm sử dụng than, Dự án 88 và nguồn tin cho biết.

UNDP Việt Nam chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.

Ông Biden rời Việt Nam vào ngày 11/9 sau khi nâng cấp quan hệ ngoại giao và ký kết nhiều thỏa thuận với lãnh đạo Hà Nội, vấp phải sự chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền cáo buộc ông gạt bỏ các vấn đề nhân quyền.

Tờ thông tin của Nhà Trắng về chuyến thăm có hơn 2.600 từ, trong đó có 112 từ về nhân quyền. Nhà Trắng đề cập đến “tăng cường cam kết đối thoại có ý nghĩa” về việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền mà không nêu chi tiết.

Hôm 19/9, Reuters đưa tin rằng như một phần của thỏa thuận, hai nhà hoạt động nhân quyền bị giam giữ đã được thả và hai người khác bị cấm xuất cảnh, sẽ được phép định cư đến Hoa Kỳ.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết hồi đầu tháng này rằng trước chuyến thăm của ông Biden, Việt Nam giam giữ ít nhất 159 tù nhân chính trị và giam giữ 22 người khác.

Ông Ben Swanton, Đồng giám đốc Dự án 88, cho biết: “Việc giam giữ bà Nhiên chứng tỏ chính phủ Việt Nam đang sử dụng tù nhân chính trị làm công cụ mặc cả trong các cuộc đàm phán ngoại giao”.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

https://www.voatiengviet.com


Tuyệt vọng: Lê Văn Mạnh xin thi hành án

21/9/2023


Lời dẫn của Luật Khoa Tạp Chí: Lá đơn dưới đây do tử tù Lê Văn Mạnh viết vào khoảng tháng 9/2014. Luật Khoa đăng nguyên văn để tư liệu hóa vụ án này.
Tiêu đề đơn ghi “Đơn xin thi hành án”, với nội dung xin Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho xử tử ngay. Tuy nhiên, toàn bộ nội dung của đơn thể hiện sự oan ức của Lê Văn Mạnh, và ở cuối thư, Lê Văn Mạnh dường như đổi ý và thể hiện khao khát sống.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
ĐƠN XIN THI HÀNH ÁN

Kính gửi: Ông Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Họ tên tôi: Lê Văn Mạnh.
Sinh ngày: 25-12-1982.
Sinh trú quán: Thôn 4, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Dân tộc: Kinh.
Tôn giáo: Không.
Trình độ văn hoá: 9/12.

Ngày 20/4/2005 tôi đã bị Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa bắt tạm giam với hai tội danh hiếp dâm và giết người.
Án phạt: Tử hình.
Hiện nay tôi đang bị giam giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa.
Sau đây tôi xin trình bày nội dung đơn xin thi hành án.
Kính thưa ông Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Tôi bị bắt oan về hai tội hiếp dâm và giết người. Qua 3 lần xét xử sơ thẩm, 3 lần phúc thẩm, 1 lần giám đốc thẩm tuyên hủy án, 1 lần không chấp nhận đơn xin giám đốc thẩm của tôi. Hiện tôi đã có gửi rất nhiều lá đơn kêu oan lên các cơ quan có thẩm quyền của pháp luật và cũng đã có gửi nhiều đơn kêu oan lên ông Chủ tịch nước. Và cũng đã có gửi đơn xin xử tái thẩm nhưng đã mấy năm không thấy tin tức gì.

 Kính thưa ông Chủ tịch nước, bản thân tôi không gây nên tội lỗi mà phải chịu nỗi oan này gần 10 năm qua.

 Vâng! Thưa ông Chủ tịch nước, đó là cả một quá trình dài, rất dài và toàn thể gia đình tôi đã phải gánh chịu sự thống khổ do nỗi oan sai này gây ra.

 3433 ngày đêm tôi bị đày đọa thân xác, tâm hồn trong căn buồng biệt giam cùm kẹp suốt ngày đêm. Thân xác tôi ngày đêm đau nhức không sao chịu nổi. Sức chịu đựng của con người là có hạn và đến ngày hôm nay thì sự thống khổ này, sự đau đớn này đã vượt ra ngoài sự chịu đựng mà con người tôi có thể chịu đựng được. Sắt thép ép mãi cũng cong, phải gãy, huống gì tôi là con người bằng da bằng thịt. Và đến ngày hôm nay vì nỗi oan này của tôi mà đến ngày hôm nay gia đình tôi tan nát không còn gì cả.

 Gia đình tôi vốn đã nghèo khó lại còn phải cưu mang tôi ở trong tù này. Nay càng trở nên vô cùng khó khăn, làm tôi càng thêm đau đớn biết bao khi bố mẹ sinh thành, các em, các con tôi ngày ngày phải sống trong đói rách tất cả chỉ vì nỗi oan của tôi gây ra.

Kính thưa ông Chủ tịch nước, là con người ai chả muốn được sống. Con chó, con mèo là giống súc sinh còn muốn sống, huống gì tôi mang thân phận một kiếp người. Nhưng hôm nay đây tôi phải viết lá đơn này kính gửi lên ông Chủ tịch nước để xin được chết thì ông hiểu được rằng sự thống khổ mà nỗi oan sai này gây ra cho tôi khủng khiếp như thế nào.

 Qua những lần gia đình thăm tôi có cho tôi biết tình hình những vụ án oan đã được minh oan hoặc chưa được minh oan như vụ Nguyễn Thanh Chấn và một vụ án của anh Long – ở tỉnh Bắc Giang cũng mang án tử hình và vụ vườn mít của Lê Bá Mai ở tỉnh Bình Phước và vụ án oan của chính bản thân tôi thì tôi thấy rằng các vụ án oan này đều xảy ra vào khoảng năm 2004-2005 và cũng có những điểm rất giống nhau đó là đều bị bắt oan, bị đánh đập, tra tấn dã man để ép cung và bắt phải nhận tội oan, bắt phải viết đơn tự khai, tự thú, bắt phải viết thư về cho gia đình để lấy làm bằng chứng.

Vụ án đã được xử đi xử lại nhiều lần mà không giải quyết dứt điểm được vụ án vì cơ quan pháp luật cố tình làm mọi cách để buộc tội oan cho chúng tôi và có thể nói vụ án của Nguyễn Thanh Chấn thì ông Chấn đã vô cùng may mắn khi được minh oan. Qua các vụ án oan này trên cả 3 miền Bắc – Trung – Nam của đất nước thì tôi thấy cách điều tra để tìm mọi cách buộc tội chúng tôi cho ký bằng được không cần biết đến đúng sai đã trở thành hệ thống dây chuyền trên cả nước rồi chứ không phải riêng tỉnh, thành nào.

 Những vụ án được minh oan thì toàn là hung thủ thật sự của vụ án bị cắn rứt lương tâm mà đi đầu thú hoặc là bắt được thủ phạm thật sự của vụ án rồi thì mới bắt buộc phải cho mình oan thì hệ lụy của một vụ án oan là quá lớn. Nó không chỉ một cán bộ viên chức phải gánh chịu mà là nhiều con người trong 3 cơ quan công an – viện kiểm sát – tòa án nhân dân phải chịu trách nhiệm với nỗi oan sai đó.

 Mà những vụ oan án có mức án tử hình như của tôi nếu được minh oan thì sẽ gây chấn động lớn với dư luận vậy thì ngành tư pháp Việt Nam sẽ như thế nào? Cho nên dù các cán bộ các cơ quan có thẩm quyền cho dù có biết chúng tôi bị chết oan thật sự thì cũng không ai đứng ra chủ trì để minh oan cho chúng tôi cả.

 Cho nên chúng tôi chỉ sống và hy vọng vào lương tâm của con người. Hy vọng rằng lương tâm của những kẻ nào gây án thật sự thức tỉnh và ra đầu thú trước pháp luật để chúng tôi được minh oan. Nhưng tỷ lệ đó của sự thức tỉnh lương tâm đó là quá thấp, tỷ lệ chỉ có 1/tỷ thôi, tôi nghĩ vậy. Và tôi cũng đã hy vọng vào điều đó và đã rất cố gắng để chờ đợi trong 3433 ngày vừa qua và đã phải gánh chịu sự thống khổ vô cùng khủng khiếp này.

 Khi vụ án oan được minh oan thì Quốc hội họp lên xuống, xã hội phẫn nộ càng lên án thì các vụ án oan như của tôi càng bị giấu nhẹm đi, càng bị dập đi không thương tiếc. Giờ đây khi tôi đã chết sớm đi một ngày, gia đình tôi sẽ vơi bớt đi gánh nặng một ngày.

 Sống trên đời chết không phải là điều đáng sợ nhất mà phải sống trong sự chờ chết mới là điều khủng khiếp nhất. Vậy mà tôi đã phải chịu cái sự khủng khiếp đó suốt 3433 ngày trời rồi.
Vậy nên tôi tha thiết cầu xin ông Chủ tịch nước cho tôi được chết một ngày gần nhất. Đã nhiều đêm tôi phải sống trong sự chán nản vô cùng và tự mình muốn tìm đến cái chết như các anh Cường, Biền. Họ cũng là tử hình như tôi nhưng đã không chịu được sự thống khổ trong môi trường biệt giam này mà treo cổ tự tử.

 Nhưng mỗi lần tôi muốn tự tử chính bản thân mình thì tiếng trẻ thơ của 2 đứa con tôi lại vang lên trong đầu rằng “Bố ơi, đừng bỏ các con” làm cho người cha như tôi như đứt từng khúc ruột, như xát muối vào vết thương lòng tôi và tôi đã luôn tự nhủ là mình phải cố gắng.

Bài thơ và bức tranh do Mạnh vẽ, và những dòng thư nhắn gửi

Mẹ và em gái lê lết khắp nơi kêu oan cho con


Chúng ta là ai? 

Nguyễn Đình Cống

Chúng ta và chúng tôi là đại danh từ ngôi thứ nhất, số nhiều, dùng để tự xưng hoặc để xưng với người khác. Nhưng ngoài yếu tố số nhiều thì phải bao hàm ý là những người có cùng chung một thứ gì đó định đề cập tới (ý nghĩ, lời nói, hành động).

Trong phát biểu của một số người Việt khi dùng từ “chúng ta” là có ý đề cập đến toàn dân Việt Nam, ví như các câu: Chúng ta (Việt Nam hoặc nhân dân VN) nghĩ như thế này, nói như thế kia, làm như thế nọ, v.v. Trình bày như vậy dễ mắc vào lỗi “vơ đũa cả nắm”,  vì dùng từ “chúng ta” để thay cho toàn dân chỉ được xem là đúng trong một số rất ít trường hợp. Để tránh lỗi vơ đũa cả nắm khi dùng từ chúng ta thì ngay sau đó nên đưa thêm định ngữ để giải thích chúng ta là ai. Thí dụ: Chúng ta, những người dân Việt Nam lương thiện; hoặc chúng ta, những người đã tự nguyện theo Đảng làm cách mạng, v.v.

Người trong mỗi nước chủ yếu được chia thành hai tập hợp: Người của chính quyền và dân thường. Người của chính quyền (quan chức) được trả lương để làm nhiệm vụ quản lý, điều hành xã hội. Họ chỉ chiếm một số ít, nhưng có vai trò lớn. Dân có nhiệm vụ làm các nghề khác nhau, đóng thuế cho chính quyền và làm các nghĩa vụ công dân. Họ chiếm số đông.

Giữa hai tâp hợp này tồn tại một số quan hệ và mâu thuẫn. Đó là mâu thuẫn chủ yếu của nhân loại (trong phạm vi mỗi nước). Giải quyết mâu thuẫn này hợp lý sẽ làm phát triển xã hội. Duy trì hoặc giải quyết sai sẽ phá nát nhiều thứ.

Mỗi một sự việc dù tốt hay xấu xảy ra trong xã hội đều có sự tham gia của hai tầng lớp này, có thể xuất phát từ dân (thí dụ chặt chém khách lạ, sản xuất ra thực phẩm có chất độc để bán…) hoặc từ chính quyền, đặc biệt là từ người ở cấp cao nhất (thí dụ luật đất đai…). Như vậy mỗi một tật xấu xảy ra trong xã hội thì cả hai tập hợp đều phải chịu trách nhiệm. 

Tuy vậy, khi tìm nguyên nhân của tật xấu, nhiều người đổ lỗi ngay cho dân. Thí dụ hai tật xấu vừa kể đều xuát phát trực tiếp từ người dân. Người ta quy tội cho dân, vì như thế quá dễ, không dám nói đến chính quyền vì sợ mà né tránh hoặc do vô minh mà không thấy. Vậy trong các sự việc trên thì trách nhiệm của chính quyền ở đâu? Đó là trách nhiệm trong khâu quản lý, vì lý do nào đó mà không phát hiện ra và ngăn chặn kịp thời nên để cho nó lây lan. Làm ra điều xấu là tội của một người dân nào đó, nhưng để thói xấu lây lan ra rộng rãi trong xã hội là lỗi của chính quyền. 

Suy nghĩ kỹ tôi thấy rằng cả chính quyền và dân đều phải chịu trách nhiệm về các thói hư tật xấu trong xã hội, nhưng chính quyền phải chịu phần nặng hơn. Đó là do chính quyền thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức để cho thói hư tật xấu phát sinh, phát triển, không những không ngăn chặn được mà có lúc, có người  còn lợi dụng nó để mưu lợi cá nhân.

Gần đây, nhân sự việc có dự án đề xuất chi 350 ngàn tỷ đồng đế chấn hưng văn hóa, nhiều người chỉ ra rằng văn hóa của dân tộc hình thành nên trong mấy ngàn năm đã bị hủy hoại ghê gớm. Việc đó cùng với giáo dục bị tàn phá là một tội ác, một điều rất xấu cho dân tộc. Trong tội ác này lãnh đạo nhà nước và các cấp chính quyền phải chịu trách nhiệm chính.

Tiền nhân đã rút ra kết luận, rằng muốn ngăn ngừa điều xấu thì chính quyền phải làm sao để người ta không muốn, không thể và không dám làm, bằng các biện pháp giáo dục, tổ chức và trừng phạt.

Muốn chấn hưng được văn hóa và giáo dục thì trước hết phải tìm cho được nguyên nhân cơ bản làm phát sinh, phát triển việc làm hỏng nó và phải quy được cho những người hoặc nhóm người cụ thể phải chịu trách nhiệm chứ không dừng lại ở mức chung chung là “chúng ta” kém cái này, thiếu cái kia, làm sai việc nọ. Thế rồi, để chấn hưng thì “chúng ta” phải đổi mới chỗ này, cải cách nơi kia… Cứ bàn và kết luận chung chung như thế, không chỉ rõ ra chúng ta, cụ thể là ai, đã nghĩ hoặc làm sai chỗ nào thì càng dùng nhiều tiền người ta càng có dịp phá nát văn hóa và giáo dục.

Nhân dịp này tôi xin đề nghị Hội đồng lý luận trung ương nghiên cứu đề tài “Mức độ hủy hoại nền văn hóa dân tộc trong nửa thế kỷ vừa qua, nguyên nhân cơ bản và phương hướng chấn hưng”.

Trong nghiên cứu này nếu có dùng từ chúng ta thì phải làm rõ chúng ta là ai, là lãnh đạo hay là dân, nêu càng cụ thể càng tốt, cần tránh cách diễn đạt chung chung.

Nhân đây tôi xin tiết lộ một thông tin. 

Khi đăng bài “Cần hiểu đúng văn hóa” trên facebook, tôi nhận được lời bình sau đây của một bạn: “Sau bao nhiêu năm dùng ‘đạo đức cách mạng’, làm hỏng hết nền văn hoá Việt Nam”. Đó là một gợi ý cho công trình nghiên cứu của Hội đồng lý luận nhằm tìm nguyên nhân cơ bản làm hỏng nền văn hóa.

Tôi cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội không cấp một đồng nào để chấn hưng văn hóa khi chưa có nghiên cứu nghiêm chỉnh chỉ ra đúng hiện trạng và nguyên nhân cơ bản sự xuống cấp của văn hóa.

N.Đ.C.


Bà Nguyễn Phương Hằng bị yêu cầu xin lỗi

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/09/ba-nguyen-phuong-hang.jpg

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Vy Oanh yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng xin lỗi chứ “không đòi hỏi gì hơn”.
Bị cáo Nguyễn Phương Hằng tại phiên tòa. (Ảnh: vtc.vn)

Hôm nay (21/9), TAND TP.HCM xét xử sở thẩm vụ bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, tỉnh Bình Dương) và 4 đồng phạm cùng tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331.

4 đồng phạm là bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân (nhân viên bà Hằng) và ông Đặng Anh Quân (Tiến sĩ luật, giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM).

Bà Nguyễn Phương Hằng đến tòa với áo sơ mi trắng, dáng dấp không khác như trước thời gian bị tạm giam.

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Bùi Đức Nam, thẩm phán dự khuyết là ông Nguyễn Tuấn Anh. Đại diện Viện KSND TPHCM giữ công tố tại phiên tòa là 3 Kiểm sát viên.

Bà Nguyễn Phương Hằng có luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn luật sư TP.HCM) bào chữa, luật sư Lễ cũng là luật sư bào chữa cho 3 thuộc cấp của bà Hằng. Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân có 3 luật sư bào chữa.

Quá trình điều tra, bà Hằng khai lý do livestream chửi bới nhiều người là những người này đã phát ngôn xúc phạm vợ chồng bà và quỹ từ thiện của bà. Cụ thể, bị cáo cho rằng, nghệ sĩ Hoài Linh có mối quan hệ với ông Võ Hoàng Yên – người bị bà tố cáo lừa đảo. Khi bị cáo yêu cầu ông Linh cùng lên tiếng về hành vi của ông Yên thì nam nghệ sĩ im lặng.

Ca sĩ Vy Oanh đã đăng một bài viết trên Facebook, ở phần trả lời một bình luận đã “móc máy, xỉa xói” việc bà Hằng ủng hộ đất để làm từ thiện chống dịch COVID-19. Nhà báo Hàn Ni đã nhiều lần phát ngôn trên mạng xã hội xúc phạm bị cáo, chống phá Công ty cổ phần Đại Nam và Quỹ từ thiện Hằng Hữu; ông Nguyễn Đức Hiển đã trả lời phỏng vấn trên VOV và đăng các bài viết trên Facebook, YouTube có thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến quyền lợi của Hằng và Công ty cổ phần Đại Nam.

Đối với vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên, bị cáo Hằng cho là đã hoạt động từ thiện “không minh bạch, ăn chặn tiền” của người dân; ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã lên mạng xã hội phát ngôn xúc phạm Hằng; bà Đinh Thị Lan có các phát ngôn trên mạng xã hội vu khống, xuyên tạc sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự của Hằng; bà Lê Thị Giàu và bà Trương Thị Việt Hà cùng nhiều người khác “là một tổ chức chống phá ngầm” bị cáo và Công ty cổ phần Đại Nam…

Tại phiên tòa, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và ca sĩ Vy Oanh chỉ yêu cầu bà Hằng xin lỗi chứ “không đòi hỏi gì hơn”.

Còn Tiến sĩ Đặng Anh Quân kêu oan. Ông Quân cho rằng những những đoạn trích các buổi livestream trong cáo trạng có sự xáo trộn thứ tự nội dung. Bên cạnh đó, cáo trạng chỉ dựa vào hành vi của bà Hằng để quy kết hành vi của ông Quân.

Ông Quân trình bày động cơ, mục đích tham gia các buổi livestream của bà Hằng là để “phản biện hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Qua đó muốn phổ biến pháp luật, chính sách nhà nước cho người dân”.

Chiều nay tòa tiếp tục xét hỏi.

Theo cáo trạng của VKSND TP.HCM, bà Nguyễn Phương Hằng thông qua các tài khoản mạng xã hội, phát sóng trực tiếp (livestream) để xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của ông Võ Nguyễn Hoài Linh, bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh, bà Đặng Thị Hàn Ni, ông Huỳnh Minh Hưng, bà Trần Thị Thủy Tiên cùng chồng là Lê Công Vinh, bà Đinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu và ông Nguyễn Đức Hiển.

Bà Hằng còn mời tiến sĩ Quân tham gia 11 buổi livestream của mình. Ông Quân cùng tương tác, phát ngôn về nội dung liên quan; góp phần cổ vũ về tinh thần, tiếp thêm ý chí cho bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội.

Các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà , Huỳnh Công Tân có hành vi giúp sức tích cực cho bị can Hằng thực hiện hành vi phát ngôn, đăng tải các nội dung xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự các cá nhân.

Minh Long

Print Friendly, PDF & Email