Võ Thái Hà tổng hợp


LHQ, Ankara và Kiev ký thỏa thuận giải tỏa 16 tàu ngũ cốc Ukraina – 31/10/2022

Một tàu chở hàng treo cờ Quần đảo Marshall chở ngô của Ukraina, đang chờ kiểm tra tại Bosphorus, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 10/10/2022. REUTERS – MEHMET CALISKAN 

Hôm qua, 30/10/2022, Liên Hiệp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraina đã ký kết một thỏa thuận cho phép giải tỏa hôm nay 16 tàu chở ngũ cốc Ukraina hiện đang trong vùng biển của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo AFP, thông tin trên được đưa ra một hôm sau khi Matxcơva thông báo đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraina, với lý do là Ukraina đã dùng drone tấn công hạm đội Hắc Hải của Nga ở Sébastopol. 

Hôm nay 31/10, theo dự kiến, tổng cộng 12 tàu hàng rời cảng Ukraina hướng tới Thổ Nhĩ Kỳ và 4 tàu đi theo chiều ngược lại. Sáng nay, 2 tàu chở đầy ngũ cốc đã xuất phát từ cảng Ukraina và đi theo hành lang nhân đạo hàng để đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay từ sáng sớm, điều phối viên Liên Hiệp Quốc, Amir Abdulla nhấn mạnh sẽ không để một tàu hàng dân sự nào biến thành « mục tiêu quân sự » hay « bị giữ làm con tin ».

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thông báo Thổ Nhĩ Kỳ « quyết tâm theo đuổi nỗ lực » bảo vệ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraina để « phục vụ nhân loại ». Là nước bảo trợ thỏa thuận « Sáng kiến Hắc Hải » cùng với Liên Hiệp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước sức ép duy trì thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraina, vì lợi ích kinh tế và ngoại giao.

Trung tâm Điều phối Chung (JCC), trụ sở tại Istanbul, có nhiệm vụ giám sát việc thực thi « Sáng kiến Hắc Hải », Trong thông cáo chung của các nhóm điều phối viên, Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc cho biết đã đạt thỏa thuận về việc bổ sung nguồn lực để kiểm tra hàng chuyên chở trên 40 tàu hướng đến cảng Ukraina từ ngày hôm nay 31/10. JCC cũng đã thông báo với nhóm điều phối viên của Nga về các thỏa thuận nói trên.  


Nga bắn tín hiệu sẵn sàng đàm phán, Ukraina nói là màn tung hoả mù để câu giờ – Trần Phong

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2022/10/nga-dam-phan-700x366.jpg

Ukraina nói Nga đang tung hoả mù để câu giờ 

Hôm 30 tháng 10, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng nói Tổng thống Vladimir Putin sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Ukraina tuyên bố họ không tin vào sự trung thực trong lời nói của ông ta, theo News.liga.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ukraina Oleg Nikolenko trong một tuyên bố nói rõ ‘người thực sự muốn tiến đến đàm phán sẽ không phá hủy hệ thống năng lượng của đất nước để dân số lạnh cóng vào mùa đông, không thực hiện các vụ hành quyết hàng loạt dân thường, không bắn phá các khu dân cư, không tuyên bố huy động thêm 300.000 quân, không ngăn chặn nguồn cung cấp ngũ cốc, không ra tối hậu thư’.

Theo quan điểm của Bộ Ngoại giao Ukraina, tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Lavrov là không có gì khác ngoài màn tung hỏa mù tiếp theo để câu giờ trong bối cảnh quân đội Nga thất bại trên chiến trường.

Ông Nikolenko nói thêm rằng, đề xuất thực tế duy nhất đối với Ukraina là Nga ngừng chiến tranh ngay lập tức và rút quân khỏi tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, bao gồm Crimea và Sevastopol.

“Chừng nào Nga còn tiếp tục phạm tội ở Ukraina, thì câu trả lời duy nhất là – trên chiến trường”, ông Nikolenko quả quyết.

Những lời của ông Lavrov về việc Nga sẵn sàng cho các cuộc đàm phán được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước Nga – trên Kênh One có tựa đề “Thế giới bên bờ vực. Bài học từ cuộc khủng hoảng Caribe”.

“Sự sẵn sàng của Nga, bao gồm cả Tổng thống, đối với các cuộc đàm phán vẫn không thay đổi. Chúng tôi sẽ luôn sẵn sàng lắng nghe những đề xuất mà các đối tác phương Tây của chúng tôi đưa ra để giảm căng thẳng”, Ngoại trưởng Nga nói.

Ông lưu ý rằng, ‘sẽ không có vấn đề gì đối với Matxcova’, nếu có ‘những đề xuất thực tế nào đó được đưa ra dựa trên các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lợi ích của nhau’ và nếu chúng nhằm ‘tìm kiếm sự thỏa hiệp và cân bằng lợi ích của tất cả các quốc gia’.

Trước đó, vào ngày 4 tháng 10, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã ký sắc lệnh từ chối đàm phán với tổng thống Nga Vladimir Putin. Sắc lệnh này là hệ quả của việc ông Putin quyết định sáp nhập trái phép 4 tỉnh của Ukraina.

Ông Zelenskyy chắc chắn rằng Nga không muốn các cuộc đàm phán hòa bình thực sự, mà họ đang cố tung hoả mù để mua thời gian, củng cố lại lực lượng, chuẩn bị tiến hành các cuộc tấn công khủng bố khác vào Ukraina.


Máy bay chiến đấu Mỹ, Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận trên không lớn chưa từng có – 31/10/2022 

Reuters 

Ảnh minh họa. Cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc vào tháng 6/2022.

Ảnh minh họa. Cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc vào tháng 6/2022. 

Hôm 31/10, Hoa Kỳ và Hàn Quốc bắt đầu một trong những cuộc tập trận không quân phối hợp lớn nhất của họ, với hàng trăm máy bay chiến đấu của cả hai bên thực hiện các cuộc tấn công giả định liên tục 24 giờ/ngày trong suốt một tuần, theo Reuters.

Cuộc tập trận mang tên Vigilant Storm (tạm dịch: Bão táp Cảnh giác) sẽ diễn ra cho đến ngày 4/11 và sẽ có khoảng 240 máy bay chiến đấu thực hiện khoảng 1.600 phi vụ, Không lực Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố vào tuần trước. Tuyên bố nói thêm rằng đây là số lượng phi vụ nhiều nhất từ trước đến nay đối với sự kiện hàng năm này.

Bình Nhưỡng từ trước đến nay vẫn lên án các cuộc tập trận chung này là một cuộc diễn tập cho hành động xâm lược và là bằng chứng về các chính sách thù địch của Washington và Seoul. Để phản đối các cuộc tập trận gần đây, Triều Tiên đã phóng tên lửa, tập trận trên không và nã pháo xuống biển.

Hai nước đồng minh Mỹ, Hàn cho rằng cần phải có những đợt huấn luyện như vậy để chống lại các mối đe dọa tiềm tàng từ Triều Tiên, quốc gia đã thực hiện số vụ phóng tên lửa kỷ lục trong năm nay và đã chuẩn bị để tiếp tục thử hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017.

Cuộc tập trận Vigilant Storm sẽ bao gồm các biến thể của máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của cả Hoa Kỳ và Hàn Quốc, cùng các máy bay khác. Australia cũng sẽ triển khai một máy bay tiếp nhiên liệu trên không cho cuộc tập trận này.

Không quân Hoa Kỳ cho biết: “Không quân của Hàn Quốc và Hoa Kỳ sẽ phối hợp với các binh chủng của hai bên để thực hiện các nhiệm vụ không quân lớn như yểm trợ không quân tầm gần, phòng không phản công và các hoạt động không quân khẩn cấp 24 giờ/ngày trong thời gian huấn luyện”. Không lực Hoa Kỳ cho biết thêm: “Các lực lượng hỗ trợ trên mặt đất cũng sẽ huấn luyện các quy trình phòng thủ căn cứ và khả năng sống còn trong trường hợp bị tấn công”.

Hôm 28/10, quân đội Hàn Quốc kết thúc cuộc tập trận thực địa Hoguk 22 kéo dài 12 ngày, trong đó có các cuộc đổ bộ mô phỏng và vượt sông, bao gồm một số cuộc tập trận với lực lượng Hoa Kỳ.


Mỹ lên kế hoạch triển khai 6 máy bay B-52 mang vũ khí hạt nhân tại Úc

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/10/B52.jpg

Ngày 31/10, tờ Reuters đưa tin rằng Mỹ đang lên kế hoạch triển khai 6 máy bay ném bom chiến lược B-52 có thể mang theo vũ khí hạt nhân tới một căn cứ không quân ở miền Bắc nước Úc.

Cụ thể, theo các tài liệu của Mỹ, nhiều cơ sở chuyên dụng cho máy bay B-52 sẽ được thiết lập tại căn cứ Tindal, cách thành phố Darwin, thủ phủ Vùng lãnh thổ phía Bắc của Úc, khoảng 300 km về phía Nam. Một nguồn thạo tin giấu tên đã xác nhận thông tin trên. Theo hãng tin Reuters, quân đội Mỹ đã xây dựng các kế hoạch chi tiết về một cơ sở phục vụ các hoạt động của phi đội máy bay ném bom trên để sử dụng trong mùa khô ở Vùng lãnh thổ phía Bắc của Úc, tích hợp 1 trung tâm bảo trì và 1 bãi đỗ cho các máy bay B-52.

Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận chính thức nào về thông tin nêu trên. Trong khi đó, phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết nước này đồng hành với Mỹ tham gia các liên minh quốc phòng. Vậy nên, quân đội Mỹ thường xuyên có các chuyến thăm Úc, bao gồm căn cứ Darwin mà lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đang luân phiên đồn trú.

Được biết, lãnh thổ phía Bắc của Úc là nơi diễn ra các hoạt động phối hợp quân sự thường xuyên giữa Úc và Mỹ. Bắt đầu từ thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, mỗi năm có hàng nghìn lính thủy đánh bộ Mỹ luân phiên đồn trú tại Úc để tham các hoạt động huấn luyện và tập trận chung. Năm 2021, Mỹ, Anh và Úc đã ký kết thỏa thuận an ninh AUKUS, trong đó cung cấp cho Úc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Phan Anh


Đồng USD mạnh sẽ làm dậy sóng các vụ thâu tóm và sáp nhập toàn cầu 

Tác giả Fan Yu 

Thứ hai, 31/10/2022

Đồng USD mạnh sẽ làm dậy sóng các vụ thâu tóm và sáp nhập toàn cầu

Các tờ tiền giấy một dollar phía trước biểu đồ chứng khoán hiển thị vào ngày 08/02/2021. (Ảnh: Dado Ruvic/Reuters) 

Xu hướng đồng dollar Mỹ tương đối mạnh dự kiến ​​sẽ tiếp tục, được thúc đẩy bởi quyết tâm chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang với việc thắt chặt chính sách tiền tệ. 

Sức mạnh của đồng USD đã làm đau đầu các tập đoàn đa quốc gia của Hoa Kỳ, do doanh thu kiếm được ở các quốc gia khác có giá trị thấp hơn sau khi quy đổi thành dollar. Các công ty Hoa Kỳ phải báo cáo thu nhập bằng nội tệ. 

Nhưng động lực này cũng đã tạo ra một cơ hội có một không hai. Giống như những du khách Hoa Kỳ đổ bộ vào Âu Châu đột nhiên được trang bị cho sức mua nhiều hơn, hiện nay các công ty ở ngoại quốc dường như là có giá trị rẻ hơn đối với các công ty Hoa Kỳ đang tìm cách thâu tóm. 

Đồng dollar đã tăng khoảng 20% ​​tính đến thời điểm hiện tại so với đồng bảng Anh (GBP). USD tăng khoảng 16% so với đồng euro (EUR), và mức tăng gần 30% của đồng USD so với yên Nhật (JPY) thậm chí còn rõ rệt hơn. Các tỷ giá này có nghĩa là bất kỳ hoạt động mua lại nào ở những thị trường đó đều đột nhiên được giảm giá ồ ạt so với hồi đầu năm — nếu mọi điều kiện khác không thay đổi. 

Các nhà giao dịch kỳ vọng xu hướng hối đoái này sẽ tiếp tục. Theo dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Hoa Kỳ (CFTC), các nhà đầu tư đang đặt cược nhiều hơn vào đồng dollar Mỹ để tăng giá so với các loại tiền tệ như đồng yên, đồng euro, và đồng dollar Canada. 

Điều đó đang diễn ra mặc dù Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (1 điểm cơ bản = 0.01%) tại mỗi một cuộc họp trong ba cuộc họp trước đây. Điều này chủ yếu là do các ngân hàng trung ương ở các quốc gia khác ban hành các mệnh lệnh có phần khác nhau. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản không nhúc nhích khi giữ lãi suất Nhật Bản dưới 0, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang tìm cách cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế của nước này xấu đi, trong khi cả Ngân hàng Anh và Ngân hàng Trung ương Âu Châu đều thắt chặt chính sách, mặc dù chậm hơn nhiều so với tốc độ của Fed. 

Tài sản ‘trú ẩn’

Đồng dollar Mỹ được thúc đẩy hơn nữa nhờ vị thế của nó như là một tài sản “trú ẩn” trong thời kỳ khó khăn, với các nhà đầu tư toàn cầu đổ vào các tài sản của Hoa Kỳ do sự ổn định kinh tế tương đối của Mỹ. 

Điều này đã tạo ra sự khác biệt giữa các mức lãi suất toàn cầu sau hơn một thập niên cắt giảm lãi suất theo sát nhau. 

Với mô hình thực tế này được thiết lập, không có gì ngạc nhiên khi các công ty Hoa Kỳ đang chuẩn bị chi tiêu. 

Ông Blair Jacobson, đồng giám đốc tín dụng ở Âu Châu của đại công ty cổ phần tư nhân của Hoa Kỳ Ares Management, tuyên bố trong một sự kiện do Financial Times tổ chức ở London hôm 12/10 rằng, “Mọi thứ ở Vương quốc Anh đều đang được giảm giá.” 

Ông Jon Gray, chủ tịch kiêm giám đốc vận hành (COO) của Blackstone, cũng có cùng quan điểm về các tài sản của Vương quốc Anh trong một cuộc phỏng vấn gần đây với MarketWatch. 

Các giám đốc điều hành của các quỹ đầu tư tư nhân đã chú ý đến Vương quốc Anh vì tình hình hỗn loạn gần đây của quốc gia này — việc cắt giảm thuế gây tranh cãi và sự từ chức của Thủ tướng Liz Truss — nhưng tâm lý tương tự cũng áp dụng rộng rãi cho Âu Châu và Á Châu. 

Các quỹ đầu cơ đang đặt cược vào một làn sóng hoạt động sáp nhập khi các tập đoàn Hoa Kỳ và quỹ đầu tư tư nhân chuẩn bị mua bán ở ngoại quốc. 

Một báo cáo gần đây của Financial Times viết rằng cái gọi là các quỹ phòng hộ nhắm tới “đầu cơ sáp nhập” hoặc đầu tư “theo sự kiện” đang chuẩn bị đặt cược nhiều hơn vào việc hoàn tất các giao dịch. Các quỹ này có xu hướng đặt cược vào các công ty sau khi các thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) được công bố và giữ một vị thế [đầu tư] dựa trên việc liệu các thương vụ này cuối cùng có hoàn tất hay không, xem xét các rủi ro về quy định, quản trị, và giá thầu cạnh tranh cụ thể. Họ cũng có thể đặt cược vào những công ty mà họ suy đoán sẽ là các ứng viên để tiếp quản. 

Các nhà quản lý quỹ phòng hộ như AQR, Millennium Management, Cheyne Capital, và Balyasny Asset Management đều điều hành các quỹ đầu tư theo sự kiện. Ngoài ra còn có các quỹ tương hỗ chuyên về các chiến lược hợp nhất và dựa trên sự kiện như BlackRock Event Driven Equity (BALPX), Gabelli ABC Fund (GABCX), và The Arbitrage Fund (ARBFX). 

Các quỹ này có xu hướng biến động, và hiệu quả hoạt động phụ thuộc vào năng lực và bí quyết của các nhà quản lý danh mục đầu tư. Tờ Financial Times cho biết trong chín tháng của năm 2022, các quỹ đầu cơ sáp nhập tăng trung bình 0.7%, một con số nhỏ trong các giai đoạn bình thường nhưng tốt hơn đáng kể so với hiệu suất tiêu cực của chỉ số S&P 500 rộng hơn trong năm nay. 

Một thương vụ M&A rất công khai và kéo dài trong năm nay là nỗ lực tiếp quản Twitter của tỷ phú Elon Musk. Thỏa thuận Musk-Twitter là một quá trình đặc biệt gập ghềnh, kéo giá cổ phiếu của Twitter lên xuống trong vài tháng qua, và cuối cùng chứng minh là một giao dịch có lợi nhuận cho các nhà đầu tư có nhận định đúng đắn. 

Trong thời điểm có sự bất ổn vĩ mô, các nhà đầu tư có thể sáng suốt khi xem xét các sự kiện vi mô cụ thể.


Nga dội hỏa tiễn vào Kyiv và các thành phố khác sau khi rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc – 31/10/2022 Reuters 

Kyiv bị mất điện sau khi bị tên lửa của Nga tấn công.

Kyiv bị mất điện sau khi bị tên lửa của Nga tấn công. 

Hôm 31/10, các vụ nổ xảy ra ở Kyiv và nhà chức trách Ukraine thông báo có các cuộc tấn công tên lửa của Nga trên khắp đất nước, sau khi Moscow đổ lỗi cho Kyiv về cuộc tấn công vào hạm đội Biển Đen của họ và rút khỏi thỏa thuận cho phép Ukraine được xuất cảng các lô hàng ngũ cốc, theo Reuters.

Nga và Ukraine đều thuộc số những nước xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới, và việc Nga phong tỏa các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vào đầu năm nay.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết: “Một loạt tên lửa nữa của Nga tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Thay vì chiến đấu trên chiến trường, Nga đánh vào dân thường”.

“Chớ có biện minh cho các cuộc tấn công này bằng cách gọi chúng là một ‘phản ứng’. Nga làm điều này bởi vì họ vẫn có tên lửa và tâm ý giết người dân Ukraine”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho biết tên lửa đã bắn trúng cơ sở hạ tầng năng lượng ở Kyiv và các thành phố khác, gây mất điện và nước.

“Nga không quan tâm đến các cuộc hòa đàm, cũng như an ninh lương thực toàn cầu. Mục tiêu duy nhất của ông Putin là chết chóc và hủy diệt”.

Hiện chưa có phản ứng ngay lập tức từ Moscow, nước đã cáo buộc Kyiv tấn công Hạm đội Biển Đen của họ tại một cảng ở Crimea bằng 16 máy bay không người lái hôm 29/10. Đầu tháng này, Nga đã tiến hành các cuộc không kích lớn nhất kể từ khi bắt đầu cuộc chiến nhằm vào Kyiv và các thành phố khác của Ukraine, trong đó họ nói là đáp trả cuộc tấn công vào cây cầu dẫn tới Crimea.

Ukraine không xác nhận cũng không phủ nhận họ đứng sau vụ tấn công hạm đội Nga, đây là chính sách điển hình của Ukraine về các sự cố ở Crimea.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cáo buộc Nga “tống tiền thế giới bằng nạn đói” thông qua hành động rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu lương thực do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ dàn xếp.

Ông Zelenskyy cho biết trong một bài phát biểu tối qua rằng trong số các tàu bị giữ có một tàu chở hàng chục nghìn tấn lúa mì, do Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ thuê để ứng phó khẩn cấp ở vùng Horn of Africa.

Bộ cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết tổng cộng 218 tàu đã “bị phong tỏa trên thực tế”.

Thỏa thuận ngũ cốc yêu cầu Nga và Ukraine phối hợp về việc kiểm tra và về hải hành quá cảnh của các con tàu qua Biển Đen, với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò trung gian.

Hôm 30/10 không có tàu nào được di chuyển qua đây. LHQ cho biết họ đã đồng ý với Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine về kế hoạch quá cảnh vào ngày 31/10 cho 16 tàu vận chuyển ngũ cốc ở Biển Đen – 12 chuyến đi và 4 chuyến đến. Chưa có phản hồi ngay lập tức từ Nga.

LHQ cho biết các quan chức Nga được thông báo về kế hoạch này, cùng với ý định kiểm tra 40 tàu xuất cảnh vào 31/10, và lưu ý rằng “tất cả các bên tham gia phối hợp với quân đội của họ và các cơ quan có liên quan khác để đảm bảo tàu thương mại qua lại an toàn” theo thỏa thuận.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm 29/10 gọi động thái của Nga là “hoàn toàn thái quá” và nói rằng điều đó sẽ làm trầm trọng thêm nạn đói. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Moscow vũ khí hóa thực phẩm.

Hôm 30/10, Đại sứ Nga tại Washington, phản pháo lại, nói rằng phản ứng của Hoa Kỳ là “thái quá” và Washington đưa ra những khẳng định sai lầm về động thái của Moscow.


Brazil: Cựu tổng thống cánh tả Lula tái đắc cử – Đăng ngày: 31/10/2022 

Biển người đổ ra đường mừng chiến thắng của ứng cử viên cánh tả Luiz Inacio Lula da Silva trong cuộc bầu cử tổng thống Brazil, Brazilia, ngày 30/10/2022. Lá cờ ở hàng đầu có in chân dung ông Lula. REUTERS – DIEGO VARA 

Cơ quan đặc trách bầu cử Brazil hôm 30/10/2022 tuyên bố cựu tổng thống Brazil cánh tả Luis Inacio Lula Da Silva, đắc cử với 50,9 % số phiếu. Với kết quả rất sít sao, tổng thống cực hữu mãn nhiệm Jair Bolsonaro vẫn chưa thừa nhận kết quả chính thức. Cộng đồng quốc tế đồng loạt chúc mừng ông Lula. 

Phát biểu ngay sau khi kết quả chính thức được công bố, ứng viên của đảng Lao Động Luis Inacio Lula Da Silva, 77 tuổi, cam kết phục hồi kinh tế, đem lại tăng trưởng và thúc đẩy chính sách xã hội trong nhiệm kỳ  tới. Trong hai nhiệm kỳ đầu (từ 2003-2011) của Lula và tiếp theo đó là nhiệm kỳ của bà Dilma Rousseff, cũng thuộc đảng Lao Động, hàng chục triệu người Brazil đã thoát khỏi cảnh nghèo khó. Chống biến đổi khí hậu và nạn tàn phá rừng Amazon cũng là những ưu tiên trong nhiệm kỳ bốn năm sắp tới của tổng thống tân cử Lula.

Theo kết quả kiểm phiếu gần như toàn bộ, ông Lula về đầu với 50,84 % cử tri ủng hộ. Tổng thống mãn nhiệm Bolsonaro được chưa đầy 49,2 %. Thắng lợi dù rất sít sao của ứng viên cánh tả lần này dù vậy vẫn được coi là một thành tích lịch sử, trong bối cảnh Brazil đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Phe ủng hộ ông Lula đã hết sức vui mừng trước viễn cảnh nhà đấu tranh xuất thân từ tầng lớp công nhân này trở lại cầm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ ba sau 4 năm dưới thời tổng thống Bolsonaro cánh cựu hữu và với chủ trương cực kỳ bảo thủ.

Đặc phái viên RFI tại Brazil, Achim Lippold, từ Sao Paulo tường trình về không khí tại chỗ đêm qua :

« Lula trở lại cầm quyền. Đám đông phấn khởi reo hò trên đại lộ Paulista. Có những cặp vợ chồng, những gia đình với cả con cái, có những người ngồi trên xe lăn, có những người chuyển giới … Đó là hình ảnh đa dạng của một nước Brazil. Tối nay họ đã tập hợp cả về đây, ở trung tâm thành phố Sao Paulo. 

Albrecht một thanh niên trẻ nói : ‘Thật là nhẹ nhõm và vui sướng khi tống khứ được ông Bolsonaro đi ! Chúng tôi mong đợi điều này đã lâu. Không thể nào tha thứ cho những quyết định của ông ta trong thời gian Brazil phải đối mặt với đại dịch Covid. Bolsonaro hành xử một cách vô trách nhiệm’. 

Một số khác vui sướng đến nỗi không cầm được nước mắt như trường hợp của Julia, một người mẹ trẻ từ Santa Catarina, ở miền nam Brazil đến đây với cả gia đinh. Julia đã mong mỏi được ăn mừng chiến thắng của Lula. Là một người sống tại một trong những thành phố ủng hộ chương trình của ông Bolsonaro mạnh nhất, Julia giải thích : ‘Đối với tôi, tối nay là chiến thắng của nền dân chủ’ 

Về phần Camilia, cô lo lắng và cho rằng khó có thể mừng chiến thắng khi mà tổng thống mãn nhiệm vẫn giữ được một tỷ lệ ủng hộ khá vững vàng. Camila phân tích : ‘Chúng ta vừa thắng mà vừa thua, khi mà một nửa đất nước vẫn chia sẻ những giá trị của ông Bolsonaro’. Hàn gắn một đất nước bị chia rẽ sâu rộng như vậy sẽ là thách thức chờ đợi tổng thống tân cử Lula. Trước các ủng hộ viên, ông cam kết sẽ điều hành đất nước vì lợi ích của toàn bộ người dân Brazil ». 


Cầu treo Ấn Độ lắc ngang trước khi sập, số tử vong lên đến 134 người 

31/10/2022 

Reuters 

Sự cố cầu treo ở Ấn Độ, ảnh chụp ngày 31/10/2022.

Sự cố cầu treo ở Ấn Độ, ảnh chụp ngày 31/10/2022. 

Con số tử vong vì một vụ sập cầu treo ở Ấn Độ hôm 31/10 đã tăng lên 134 người, bao gồm nhiều nạn nhân là trẻ em, theo Reuters. Trong khi đó, nhà chức trách khởi tố vụ án hình sự về vụ sập cầu này, một trong những vụ tai nạn chết nhiều người nhất ở Ấn Độ trong 10 năm qua.

Đoạn video ghi lại thời điểm ngay trước khi xảy ra vụ sập cho thấy một nhóm thanh niên đang chụp ảnh trong khi những người khác cố gắng lắc lư cây cầu, trước khi họ rơi xuống sông vì những sợi cáp bị đứt.

Cây cầu dành cho khách bộ hành có từ thời thuộc địa bắc qua sông Machchhu ở trung tâm thị trấn Morbi chật cứng những người tham quan thưởng thức lễ hội khi nó bị sập vào tối 30/10, khiến người dân rơi xuống sông từ độ cao khoảng 10 mét.

Khoảng 400 người mua vé lên chiếc cầu để ăn mừng lễ hội Diwali và Chhath Puja, chưa đầy một tuần sau khi cầu được mở cửa trở lại sau một thời gian duy tu, cải tạo.

Khoảng 35 nạn nhân dưới 14 tuổi, theo danh sách những người thiệt mạng mà Reuters được xem. Khoảng 170 người đã được cứu vào sáng nay.

Quan chức cấp cao của chính quyền NK Muchhar cho biết số người chết đã lên tới 134. Một quan chức khác tại hiện trường cho biết nước sông đục ngầu đang cản trở công tác cứu hộ và có thể có người bị mắc kẹt dưới phần còn lại của cây cầu.

Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố một vụ án hình sự đối với những người chưa được nêu tên, bị cho là phải chịu trách nhiệm về việc cải tạo, bảo trì và quản lý cây cầu. Chính phủ đã thành lập một đội năm thành viên để điều tra thảm họa.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cựu thủ hiến bang Gujarat, bày tỏ lời chia buồn với gia đình các nạn nhân.

“Trong giờ phút đau buồn này, chính phủ sẽ ở bên tang quyến bằng mọi cách”, ông Modi nói. “Chính quyền bang Gujarat đang thực hiện các hoạt động cứu trợ và cứu nạn kể từ hôm qua. Chính phủ trung ương cũng đang mở rộng mọi sự giúp đỡ cho chính quyền bang”.

Cầu đi bộ này rộng 1,25 m và dài 233 m, nối khách sạn cổ Darbargadh Palace và thị trấn. Cầu được xây dựng vào năm 1877 khi Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh.


Ít nhất 72 người chết ở Philippines do bão Nalgae – An Bình
29 tháng 10, 2022

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/bao-nalgae.jpg

Áp thấp nhiệt đới phía đông Philippines mạnh lên thành bão Nalgae. (ảnh: NCHMF) 

Sáng 29 Tháng Mười, bão Nalgae đổ bộ đảo vào Philippines sau khi gây lũ quét và lở đất khiến ít nhất 72 người chết, hàng chục người bị thương. Theo CNN.

Theo các giới chức Philippines hôm 29 Tháng Mười, bão Nalgae đổ bộ vào đảo chính Luzon của Philippines với sức gió tối đa 95 km/h, sau khi đổ bộ đảo Catanduanes vào lúc rạng sáng. Rất may đây là khu thưa thớt dân cư.

Cơ quan thời tiết quốc gia Philippines cho biết mưa lớn do ảnh hưởng của bão bắt đầu từ hôm 27 Tháng Mười ở miền Nam Philippines gây ngập phần lớn các khu vực nông thôn trên đảo Mindanao. Bão làm sạt lở đất và gây ngập lụt, cuốn trôi nhà ở một số khu vực, gần 500 ngôi nhà khác bị hư hại.

Người đứng đầu cơ quan phòng vệ dân sự Philippines, ông Rafaelito Alejandro cho biết đến sáng 29 Tháng Mười, số người chết do bão lên tới 72 người, ít nhất 14 người mất tích và 33 người bị thương. Lực lượng cứu hộ đang tập trung vào làng Kusiong, nơi hàng chục thi thể được tìm thấy hôm 28 Tháng Mười sau khi lũ lụt xảy ra. Họ cũng sử dụng tủ lạnh cũ để kéo trẻ em khỏi vùng ngập lụt trên đảo Leyte.

Những năm gần đây, lũ quét với bùn và mảnh vỡ từ những vùng núi bị chặt phá rừng là những hiểm họa nguy hiểm nhất do bão gây ra ở Philippines.  Lũ lụt cũng được báo cáo ở một số khu vực miền trung Philippines.

Cơ quan thời tiết Philippines cho biết bão Nalgae có thể tấn công thủ đô Manila, đô thị rộng lớn với hơn 13 triệu dân. Dự kiến xảy ra lũ lụt diện rộng, lở đất do mưa và “nguy cơ triều cường từ nhỏ đến trung bình” hoặc sóng lớn đánh vào các khu vực ven biển. Cơ quan phòng vệ dân sự tích cực chuẩn bị ứng phó, với 5,000 nhân viên cứu hộ đã sẵn sàng. Ông Alejandro kêu gọi cư dân nên ở nhà trước khi bão di chuyển vào Biển Đông, vì ra đường vào lúc này rất nguy hiểm.

Lực lượng cảnh sát biển cũng đã đình chỉ các dịch vụ phà do biển động, khiến hàng trăm tàu thuyền và hàng nghìn hành khách bị mắc kẹt tại các cảng. Hơn 100 chuyến bay cũng bị hoãn. Hơn 7,000 người được sơ tán trước khi cơn bão đổ bộ.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng những cơn bão như vậy đang trở nên mạnh hơn do biến đổi khí hậu. Philippines là nơi phải hứng chịu trung bình 20 cơn bão lớn mỗi năm, khiến hàng trăm người thiệt mạng và nhiều khu vực chìm trong nghèo đói.

Dự báo trong ngày 30 Tháng Mười, bão sẽ vào Biển Đông, trở thành cơn bão thứ bảy ở khu vực này trong mùa mưa bão năm nay. Các đài khí tượng Việt Nam, Nhật Bản, Hong Kong đều cho rằng sau khi vào Biển Đông, bão đổi hướng Bắc, tiến về phía Hong Kong.

Print Friendly, PDF & Email